TP Hồ Chí Minh kiềm chế tăng giá hàng tiêu dùng

Nhóm hàng tiêu dùng luôn giữ ngôi vị đầu bảng của nhóm tăng giá suốt 10 tháng qua và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Nhóm hàng tiêu dùng luôn giữ ngôi vị đầu bảng của nhóm tăng giá suốt 10 tháng qua và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Dù tốc độ tăng giá nhóm hàng này có thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng so với những nhóm hàng khác thì năm nay nhóm hàng tiêu dùng vẫn cao hơn 7,6%.

Tháng 10, chỉ số giá không giảm

Theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng 10/2009, chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn thành phố tăng 0,15% so với tháng trước. Như vậy, kể từ đầu năm đến nay, chỉ số giá tiêu dùng đã có mức tăng 5,8%.

Kết quả khảo sát tại các siêu thị cho thấy, chỉ tính từ đầu tháng 10 đến nay, đã có khoảng 20 mặt hàng áp dụng giá mới, với mức tăng trung bình từ 2-8%.

Cụ thể, nhóm hàng hóa mỹ phẩm tăng 3-7%; các mặt hàng nước giải khát đóng chai, lon tăng 2-5%; nhóm hàng thực phẩm-gia vị đóng lon, đóng chai tăng khoảng 5%...

Không chỉ các mặt hàng trong nước tăng giá, ngay những mặt hàng nhập khẩu cũng tăng trung bình 5-8%, thậm chí một số mặt hàng tăng đến hơn 30%.

Giá đường tuy đã qua cơn sốt, nhưng hiện vẫn ở mức cao, khoảng 12.000-13.000 đồng/kg (so với đầu năm chỉ 9.500-10.000 đồng/kg).

Theo ông Chu Xuân Phương - Phó Phòng Nghiệp vụ Chi cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh nguyên nhân dẫn đến việc chỉ số giá tiêu dùng tăng là do tác động từ giá nguyên liệu nhập khẩu như đường, sữa, các loại hương liệu tăng.

Chẳng hạn, giá hương liệu tăng 14-22% tùy loại. Giá nguyên liệu nhựa, giấy cũng tăng làm cho chi phí bao bì tăng thêm khoảng 5-8%.

Do lượng hàng về chợ giảm, nên giá một số loại hàng đang tăng khoảng 10-15%.

Tại các vựa bán thủy hải sản, giá cá rô, sặc tăng 5.000 đồng/kg, tôm tăng 10.000 đồng/kg, sò lông tăng 5.000 đồng/kg… Các loại rau quả như xà lách mỡ ở mức 35.000 đồng/kg, đậu que 15.000 đồng/kg, cải bó xôi 23.000 đồng/kg, cà rốt 15.000 đồng/kg...

Riêng mặt hàng tỏi Trung Quốc, trong vòng một tháng qua đã tăng giá gấp 3-4 lần so với trước đây, lên đến 20.000 đồng/kg.

Khảo sát sơ bộ các chợ khu vực trung tâm thành phố như Bến Thành, An Đông, Hòa Bình và các chợ lẻ, chợ lề đường khác, giá nhiều loại rau củ đang bị đẩy lên gần gấp đôi so với ở chợ đầu mối. Trong đó, rau Đà Lạt vừa đắt vừa hiếm.

“Giá rau xanh sắp tới chưa thể giảm do lượng rau từ các tỉnh, nhất là từ Đà Lạt, về các chợ lẻ hiện rất ít. Thực phẩm lên giá, lượng bán buôn cũng ít đi. Thu nhập của chúng tôi cũng đang giảm đi trông thấy”, chị Hà - tiểu thương tại chợ Tam Bình (Thủ Đức) than thở.

Cuối năm không tăng đột biến

Theo dự báo của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, giá hàng hóa Tết năm nay chỉ tăng dưới 10% và sức mua tăng trên 20%.

Nhằm đảm bảo nguồn cung dồi dào phục vụ người dân các tháng cuối năm và đặc biệt những ngày Tết Nguyên đán sắp đến, thành phố đã có quyết định hỗ trợ hơn 422 tỷ đồng không lãi suất cho 13 doanh nghiệp trên địa bàn để mua trữ hàng.

Khác với mọi năm, năm nay đối tượng doanh nghiệp được mở rộng không phân biệt thành phần kinh tế, chỉ cần có năng lực về hệ thống phân phối và cam kết thực hiện đúng giá bán, chất lượng, nguồn hàng. 8 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như gạo, đường, thịt gia súc… sẽ được các doanh nghiệp cung ứng đầy đủ đến thị trường.

Ngoài đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, các doanh nghiệp đã cam kết chuẩn bị lượng hàng thực phẩm đầy đủ, tăng 20-40% so với nhu cầu tiêu dùng thường ngày của người dân, giá sẽ giảm hơn ngoài thị trường tại cùng thời điểm khoảng 10%.

Năm nay Saigon Co.op cũng tăng gấp đôi lượng hàng Tết so với cùng kỳ. Doanh nghiệp này đã dành hơn 100 tỷ đồng chủ động tích trữ hàng hóa phục vụ người dân với mức giá hợp lý nhất.

Công ty Phú An Sinh cho biết, nếu giá thức ăn gia súc tiếp tục bình ổn như hiện nay, giá gia cầm sẽ khó biến động mạnh vào mùa cao điểm những tháng cuối năm. Cương quyết không để tình trạng tăng giá đột biến như năm ngoái, hiện doanh nghiệp đã lên kế hoạch tăng cường thêm gần 300.000 con gia cầm.

Tại các cửa hàng của Vissan, giá thịt heo thời gian qua vẫn ổn định. Theo ông Văn Đức Mười, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan, doanh nghiệp không có ý định tăng giá, đồng thời cũng đã hoàn tất việc chuẩn bị hàng hóa tết với lượng hàng khá dồi dào.

Các chuyên gia kinh tế nhận xét, mặt bằng giá các tháng cuối năm có tăng nhẹ nhưng sẽ ít gây xáo trộn đến người tiêu dùng. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp đang áp dụng chính sách tăng giá từ từ, phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang có những tín hiệu tích cực khi doanh nghiệp trong nước đã ý thức, chủ động cho ra những sản phẩm có chất lượng nhưng giá cả dễ chấp nhận hơn.

Bênh cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, siêu thị kéo dài các chương trình khuyến mãi, chăm sóc khách hàng đến hết năm…

Theo Bộ Công Thương, những động thái tích cực trong công tác điều hành của Chính phủ trong việc kiểm soát chặt dòng vốn qua gói kích thích kinh tế, xu hướng ổn định lãi suất trong thời gian gần đây, thị trường chứng khoán đang hồi phục… là những tác nhân góp phần bình ổn giá cả thị trường./.

(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục