TP.HCM: Giá cước vận tải tăng không quá “nóng”

Do giá xăng dầu tăng, nhiều hãng taxi, vận tải hành khách, hàng hóa ở TP.HCM bắt đầu thực hiện việc tăng giá cước, với mức tăng từ 12-20%.
Do giá xăng dầu tăng, nhiều hãng taxi, vận tải hành khách, hàng hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu thực hiện việc tăng giá cước với mức tăng từ 12 đến 20% tùy theo từng loại hình vận tải.

Ông Tạ Long Hỷ, Phó Chủ tịch Hiệp hội taxi Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, giá cước của nhiều hãng taxi đã được điều chỉnh từ 1/3. Theo đó, giá cước taxi tăng 1.500 đồng/km đối với những hành khách đi xe có đoạn đường dài từ 1-30km.

Kể từ km thứ 31 trở đi, tùy theo loại xe (bốn chỗ hay bảy chỗ) mà cước phí taxi sẽ giảm dần. Hãng taxi Mai Linh đã điều chỉnh giá cước mới tăng thêm từ 1.000-1.500 đồng/km.

Theo ông Trương Quang Mẫn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Mai Linh, trong đợt điều chỉnh này, Tập đoàn Mai Linh quyết định tăng giá cước cho các loại phương tiện để bù đắp chi phí xăng tăng giá. Tập đoàn cũng tính toán để bù đắp chênh lệch do lái xe gánh chịu và khách hàng cũng chấp nhận được.

Trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, hơn 100 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội vận tải hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có kế hoạch tăng giá cước. Theo Hiệp hội vận tải hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh, nếu tính đủ theo tỷ lệ phần trăm tăng giá của xăng dầu và các phụ tùng vận tải thì giá cước mới sẽ tăng trên 24%. Tuy nhiên, mức giá tăng chung áp dụng có thể từ 15-20%.

Hiện nay, khá nhiều nhà xe đã áp dụng mức giá cước vận tải mới với mức tăng khoảng 20% đối với khách hàng không có hợp đồng. Với khách hàng đã có hợp đồng, các nhà xe cũng đang đàm phán để điều chỉnh mức cước tăng tương ứng.

Ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc tăng giá cước vận tải khi giá xăng dầu là hợp lý. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế khó khăn chung, việc tăng giá cước vận tải sẽ ảnh hưởng đến giá cả của nhiều mặt hàng và sự phát triển chung của nền kinh tế.

Hiệp hội đã khuyến cáo với các doanh nghiệp thành viên có kế hoạch tăng giá cước cần hợp lý, tránh tình trạng ghìm giá cước giữa các doanh nghiệp gây ra cạnh tranh không lành mạnh, không tăng giá quá mức làm ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung.

Đối với lĩnh vực vận tải hành khách, các doanh nghiệp vận tải đã bắt đầu tăng giá cước ngay sau khi giá xăng dầu tăng. Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết, đến ngày 1/3, có 28/231 doang nghiệp vận tải đăng ký hoạt động kinh doanh tại bến đã tăng giá vé.

Mức tăng chung là khoảng 15% so với trước, tùy theo cự ly của tuyến. Riêng tuyến Thành phố Hồ Chí Minh-Quảng Ngãi đã có 4 doanh nghiệp là Chín Nghĩa, Bình Tâm, Thiên Trang và Sao Vàng tăng giá vé thêm 40.000 đồng/lượt.

Theo ông Hải, các doanh nghiệp tự lên kế hoạch tăng giá cước sao cho hợp lý rồi gửi cơ quan chức năng xem xét và ra thông báo cụ thể. Hiện số doanh nghiệp tăng giá chưa nhiều do họ đang tự ghìm giá nhau để cạnh tranh.

Tuy nhiên, tình trạng ghìm giá này cũng sẽ không kéo dài bởi nếu tiếp tục, các doanh nghiệp vận tải sẽ bị lỗ nặng. Nhiều doanh nghiệp khác cũng đã lên kế hoạch tăng giá vé, đang trình các cơ quan chức năng xem xét và sẽ ra thông báo chính thức trong vài ngày tới./.

Hoàng Anh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục