Sẽ phạt nặng với vi phạm về hàng tạm nhập tái xuất

Bộ Tài chính dự kiến sẽ phạt tới 40 triệu đồng với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan với hàng tạm nhập - tái xuất.
Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan với hàng tạm nhập - tái xuất có thể bị phạt tới 40 triệu đồng. Trong khi đó, việc lưu giữ mặt hàng này không đúng nơi quy định cũng có thể bị phạt từ 10-20 triệu đồng.

Đây là những nội dung mới được bổ sung trong dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan vừa được Bộ Tài chính công bố.

Cụ thể hơn, Bộ Tài chính dự kiến phạt từ 5-10 triệu đồng với hàng vi không tái xuất hàng hóa tạm nhập thuộc diện miễn thuế, hàng kinh doanh tạm nhập – tái xuất đúng thời hạn quy định
.
Ngoài ra, mức phạt này cũng được áp dụng việc không nộp hồ sơ để thanh khoản hàng kinh doanh tạm nhập – tái xuất đúng thời hạn quy định.

Cũng theo dự thảo, mức xử phạt sẽ tăng gấp đôi, từ 10-20 triệu đồng với các hành vi hàng kinh doanh tạm nhập – tái xuất không đúng tuyến đường, địa điểm, cửa khẩu hay việc lưu giữ hàng hóa kinh doanh trên không đúng địa điểm quy định.

Thậm chí, hành vi tạm nhập - tái xuất hàng hóa thuộc diện cấm, ngừng kinh doanh tạm nhập - tái xuất sẽ bị xử phạt từ 20-40 triệu đồng.

Bên cạnh đó, dự thảo của Bộ Tài chính dự kiến mức phạt tiền thấp nhất với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan sẽ là 500.000 đồng thay vì 200.000 đồng như hiện tại. Mức phạt nặng nhất cũng sẽ cao hơn con số 40 triệu đồng hiện nay, lên mức 70 triệu đồng.

Trong đó, mức xử phạt cao nhất 70 triệu đồng sẽ được áp dụng với một số hành vi như không khai hoặc khai sai so với quy định của pháp luật về ngoại tệ, tiền Việt Nam bằng tiền mặt, vàng mang theo khi xuất cảnh với tang vật vi phạm có trị giá từ 100.000.000 đồng trở lên….

Ngoài ra, một điểm mới khác trong dự thảo là việc đề xuất bổ sung thêm nhiều hành vi vi phạm phát sinh như việc không thông báo cho cơ quan hải quan đúng thời hạn quy định thông tin về hàng hóa trước khi đến cửa khẩu hay các hành vi không khai hoặc khai sai khác làm thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu.

Ngoài ra, một số hành vi vi phạm cũng được bổ sung như khai sai về đối tượng không thuộc diện chịu thuế hay đưa phương tiện vận tải nước ngoài vào Việt Nam không đúng tuyến đường, cửa khẩu quy định…/.

Xuân Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục