Hiệu quả của chương trình điều trị bằng Methadone

Theo các chuyên gia y tế Việt Nam, tại Việt Nam, chi phí vận hành một cơ sở điều trị Methadone cho 250 người bệnh là 1,4 tỷ đồng/năm.
Theo các chuyên gia y tế Việt Nam, tại Việt Nam, chi phí vận hành một cơ sở điều trị Methadone cho 250 người bệnh là 1,4 tỷ đồng/năm.

Như vậy chi phí điều trị tính bình quân trên một người bệnh là 15.435 đồng/ngày, trong đó tiền thuốc khoảng 7.000 đồng/1 người bệnh/1ngày (giá thuốc hiện nay là giá nhập khẩu và tiền mua thuốc sẽ tiếp tục giảm khi Methadone được sản xuất trong nước).

Nghiên cứu của nhiều nước trên thế giới với 1 USD chi cho chương trình Methadone, sẽ tiết kiệm được 7 USD cho các vấn đề khác phát sinh như pháp luật, y tế.

Còn tại Trung Quốc, việc đưa chương trình Methadone vào hoạt động đã tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực. Mỗi năm cứ có 200 người sử dụng heroin tham gia vào chương trình Methadone sẽ tiết kiệm được 1,15 triệu USD so với việc họ sử dụng ma túy.

Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone có thể giúp người nghiện heroin dừng sử dụng, hoặc giảm đáng kể lượng heroin mà người nghiện đã sử dụng.

Người nghiện dừng tiêm chích heroin, hoặc giảm đáng kể tần suất tiêm chích đồng nghĩa với giảm nguy cơ lây nhiễm HIV, viêm gan B,C; giảm tử vong do sử dụng quá liều heroin.

Nhiều người trong số này đã kiềm chế bản thân, giảm các hành vi phạm pháp; cải thiện tình trạng sức khỏe; cải thiện và ổn định các mối quan hệ với gia đình và xã hội; có công việc ổn định hơn và học tập tốt hơn.

Với những lợi ích hết sức ý nghĩa chương trình điều trị Methadone mang lại trong giai đoạn thí điểm, Thủ tướng Chính phủ đã ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Đề án “Sản xuất và sử dụng thuốc Methadone tại Việt Nam giai đoạn 2010-2015” theo Quyết định số 5146/QĐ-BYT ngày 27/12/2010, với mục tiêu đến hết năm 2015 Việt Nam sẽ chủ động cung cấp thuốc điều trị cho 80.000 bệnh nhân điều trị Methadone tại 40 tỉnh, thành phố.

Theo đó, việc triển khai mở rộng chương trình điều trị Methadone từ nay đến năm 2015 và những năm tiếp theo sẽ là một trong những biện pháp can thiệp giảm tác hại quan trọng nhất giúp dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả và triệt để hơn nữa.

Đề án Methadone đã và đang triển khai tại Việt Nam sẽ góp phần vào việc hoàn thành mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2020 của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Hiện ở Việt Nam có ít nhất 40% số người nghiện ma túy đang được điều trị thay thế tại các cơ sở điều trị Methadone là người nhiễm HIV (cá biệt một số cơ sở điều trị Methadone của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có tới 50-70% người bệnh nhiễm AIDS đang điều trị thuốc kháng virus (ARV).

Đồng thời có một tỷ lệ khá lớn số lượng người nghiện chích ma túy điều trị tại các cơ sở Methadone với tỷ lệ nhiễm viêm gan C (có cơ sở lên tới 97,5%) là hết sức có ý nghĩa trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan./.

Nhật Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục