Ủy ban sửa đổi hiến pháp Ai Cập họp phiên đầu tiên

Ủy ban sửa đổi Hiến pháp của Ai Cập gồm 50 thành viên đã triệu tập phiên họp đầu tiên để xem xét các điều khoản gây tranh cãi.
Ngày 8/9, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp của ai Cập gồm 50 thành viên đại diện cho tất cả các lực lượng chính trị, tôn giáo và thành phần xã hội đã triệu tập phiên họp đầu tiên để xem xét các điều khoản gây tranh cãi.

Đây là lần thứ ba trong vòng chưa đầy ba năm qua, Ai Cập tiến hành sửa đổi Hiến pháp.

Trong phiên họp ngày 8/9 được phát sóng trực tiếp trên truyền hình quốc gia, ủy ban này đã bầu ông Amr Moussa, cựu Tổng thư ký Liên đoàn Arập và là cựu ứng cử viên tổng thống, làm Chủ tịch.

Ủy ban nói trên, do các chính đảng thế tục và các chính khách tự do chi phối hoàn toàn, được triệu tập theo đúng lộ trình chuyển tiếp chính trị được chính phủ lâm thời vạch ra năm ngày sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi ngày 3/7.

Dự kiến, các thành viên của ủy ban sẽ có hai tháng để hoàn tất việc sửa đổi hiến pháp dựa trên các đề xuất của một ủy ban pháp lý gồm 10 thẩm phán và các giáo sư luật đến từ các trường đại học trong nước. Cũng theo lộ trình này, các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội sẽ được tổ chức vào đầu năm tới nhằm nhanh chóng khôi phục dân chủ.

Theo kết quả một cuộc điều tra do Trung tâm thăm dò dư luận Ai Cập (Baseera) công bố ngày 8/9, 73% người dân nước này cảm thấy không an toàn và 62% cho biết điều kiện sống của họ hiện nay tồi tệ hơn một năm trước.

Cuộc thăm dò dư luận này được tiến hành qua điện thoại từ ngày 19-21/8 trên khắp cả nước và thu hút 1.395 người trên 18 tuổi tham gia. 46% cho biết thu nhập của họ bị ảnh hưởng bởi lệnh giới nghiêm được Chính phủ lâm thời Ai Cập áp đặt từ ngày 14/8. Chỉ 10% số người được hỏi cho biết điều kiện sống của họ được tốt hơn trước và 27% cho rằng không thay đổi​​.

Trong khi đó, Cơ quan Huy động và Thống kê Ai Cập (CAPMAS) cho biết số người mù chữ ở quốc gia Bắc Phi này đã vượt ngưỡng 16 triệu người vào năm 2012, trong đó 10,3 triệu phụ nữ. Vùng Thượng Ai Cập có tỷ lệ mù chữ cao nhất, trong đó vượt quá 30% tại các tỉnh Minya, Beni Suef, Fayoum, Sohag, Assiut và Qena.

Đáng chú ý là tỷ lệ mù chữ ở thủ đô Cairo và Alexandria - thành phố lớn thứ hai của Ai Cập nằm trên bờ Địa Trung Hải - cũng rất cao, với tỷ lệ tương ứng 17,4% và 16,5%.

Theo CAPMAS, tỷ lệ mù chữ trong thanh niên ở độ tuổi 15-24 là 8,5%, trong khi ở những người trên 60 tuổi là 62,3%. Người mù chữ chiếm tới 17,7 dân số đô thị và 31% dân số nông thôn./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục