Giúp thoát đói nghèo từ mô hình tiết kiệm tín dụng

Thông qua mô hình nhóm tiết kiệm tín dụng, phụ nữ nghèo tại các tỉnh thành có thể vay vốn với lãi suất thấp để phát triển kinh tế.
“Từ nhiều năm nay, nhờ có những dự án hỗ trợ của IFAD với hoạt dộng tài chính vi mô, tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam, chị em phụ nữ đã mạnh dạn vay vốn, thực hiên tốt công cuộc xóa đói giảm nghèo và dần nâng cao được năng lực của chính mình,” bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho biết.

Nhận định trên được bà Thúy đưa ra tại cuộc Hội thảo chuyên đề do Hội liên Hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với IFAD tổ chức ngày 20/12, tại Hà Nội.

Đánh giá về hoạt động tài chính vi mô thông qua các tổ nhóm tiết kiệm tín dụng tại 11 tỉnh triển khai dự án, ông Henning Pedersen, Giám đốc quốc gia - Văn phòng Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) tại Việt Nam, cho biết: “Sau 15 năm triển khai dự án, thông qua hỗ trợ nguồn vốn và kỹ thuật tại 11 tỉnh thành, đến nay, có thể nói các địa phương đã triển khai khá thành công và đem lại nguồn hưởng lợi cho khoảng hơn 1.000 hộ dân và các nhóm có chung sở thích vay vốn, trồng trọt chăn nuôi.”

Là một trong 11 tỉnh thành được IFAD chọn làm dự án, trong những năm qua, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động như thành lập các tổ hùn vốn giúp chị em phát triển kinh tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gia đình. Đến nay, thông qua mô hình tổ tiết kiệm tín dụng của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, 10.054 hộ phụ nữ đã thoát được nghèo, trong đó có trên 4.800 phụ nữ nghèo làm chủ hộ và gần 3.000 phụ nữ dân tộc Khmer.

Tại các tỉnh thành khác như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hà Giang, Cao Bằng..., mô hình nhóm tiết kiệm tín dụng cũng được áp dụng hiệu quả và vẫn là một hoạt động không thể thiếu vì đã giúp các phụ nữ nghèo có cơ hội tiếp cận và nâng cao năng lực sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả hơn.

Từ những thành công ban đầu, ông Pedersen khẳng định trong những năm tới, IFAD sẽ tiếp tục triển khai khung mô hình này, thông qua việc thiết kế các dự án mới để triển khai tại Trà Vinh, Quảng Bình. Sau đó sẽ cân nhắc những trường hợp điển hình, hiệu quả của chị em phụ nữ, để nhân rộng tại các tỉnh thành khác.

Theo đó, ngoài các nguồn vốn có thể huy động từ các hộ gia đình, từ chính chị em và cộng đồng, IFAD cũng cân nhắc các khả năng hỗ trợ thông qua các khoản đầu tư nhất định tại các tỉnh như Trà Vinh, Quảng Binh và các tỉnh khác.

“Chúng tôi hy vọng những mô hình này, sau khi triển khai sẽ mang lại những hiệu quả nhất định đồng thời được nhân rộng trên khắp cả nước. Trước mắt, các nguồn đầu tư sẽ tập trung vào việc nâng cao năng lực cho các nhóm, Hội phụ nữ, để triển khai bền vững, đảm bảo lâu dài các mô hình tín dụng vi mô,” ông Pedersen nói.

Tuy nhiên, theo đánh giá của IFAD, thì hiện nay, mỗi tỉnh có một cơ chế quản lý nguồn vốn, cho vay theo mức lãi suất khác nhau. Do vậy, cần có cơ chế linh hoạt hơn về đóng góp tiết kiệm để phụ nữ nghèo có thể tiếp cận được nguồn vốn, phát triển kinh tế. Mặt khác, để đảm bảo dự án phát triển được lâu dài và phát triển ổn định thì cần phải thống nhất nguồn tài chính với lãi suất theo một cái “khung” chung trên cả nước.

“Bên cạnh đó, cần phải có những thể chế ổn định, mang tính chuyên nghiệp hơn và mang tính thương mại, bởi lãi suất phải có khả năng sinh lời. Do vậy, phải xây dựng mô hình tín dụng tiết kiệm đảm bảo tính lâu dài với các khoản vay nhanh chóng mà không cần đến ngân hàng,” ông Pedersen khuyến nghị./.

Hùng Võ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục