Đẩy mạnh quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài

Tại đại hội cơ sở cuối cùng của Hội Nhà văn Việt Nam đã có nhiều ý kiến nêu giải pháp để quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài
Sáng 1/7, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Đại hội cơ sở nhà văn khối cơ quan Trung ương. Đây là đại hội cơ sở cuối cùng chuẩn bị cho Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam vào tháng 8/2010.

Tại Đại hội đã có nhiều ý kiến nêu giải pháp để quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, tham gia vào quá trình hội nhập ngày càng sâu của Việt Nam với thế giới.

Dịch giả Thúy Toàn nhận xét, những chuyến hội tổ chức cho hội viên đi nước ngoài trước đây dường như không mang lại kết quả. Nhà văn Việt Nam chưa có tiếng nói trên trường quốc tế bởi một phần họ thiếu trình độ ngoại ngữ để có thể tham gia tốt các hội thảo này.

Do đó, Hội Nhà văn Việt Nam cần quan tâm nâng cao trình độ cho nhà văn, tổ chức các lớp học ngoại ngữ để ít nhất mỗi người cũng biết một tiếng nước ngoài. Bên cạnh đó, hội cũng cần kết hợp với các cơ quan khác để thành lập trung tâm dịch thuật văn học Việt Nam cũng như phát triển tạp chí văn học Việt Nam bằng tiếng nước ngoài nhằm quảng bá văn học Việt ra thế giới.

Ngoài ra một số ý kiến cũng cho rằng, muốn quảng bá được văn học Việt ra nước ngoài còn cần chất lượng của tác phẩm.

Nhà văn Sỹ Lộc cho rằng, chất lượng của tác phẩm còn thể hiện ở chỗ nó đã thể hiện được sâu sắc cuộc sống chưa? Ông cũng nêu ra một thực tế, trong văn học Việt Nam hiện nay còn ít viết về đề tài công nhân trong khi lực lượng này đã có nhiều đóng góp cho xã hội.

Theo nhà văn, trong nhiệm kỳ tới, hội nhà văn nên chú ý hơn về chủ đề này. Các trại sáng tác nên đi sâu vào các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế như dầu khí, xây dựng… Từ đó sẽ đi sâu sát được vào đời sống người dân thay vì trước kia chỉ tập trung trại sáng tác ở những nơi mang tính nghỉ mát nhiều hơn.

Bên cạnh đó, tổ chức hội cũng cần góp phần vào sự quảng bá này. Theo nhà văn Dương Thuấn, để hội hoạt động mạnh hơn, cần làm tốt vấn đề đoàn kết các dân tộc và nên có sự đóng góp của các nhà văn dân tộc thiểu số trong Ban chấp hành hội ở nhiệm kỳ tới.

Nhà thơ Hữu Thỉnh với tư cách là Chủ tịch hội đã tiếp nhận những ý kiến của các đại biểu. Ông nhấn mạnh vào nhiệm vụ của hội trong nhiệm kỳ tới là: “Hướng tới hội viên là thước đo trách nhiệm và đạo đức của ban chấp hành.”/.

Thúy Mơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục