Siết quản lý hoạt động dịch vụ tàu cao tốc chở khách

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu "siết" lại luồng tuyến và quy định rõ niên hạn của tàu cánh ngầm, hạn chế nguy cơ mất an toàn giao thông.
Theo Dự thảo Nghị định về niên hạn sử dụng phương tiện thủy cao tốc chở khách tại Việt Nam đang được soạn thảo, Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ yêu cầu các đơn vị vận tải đầu tư mới phương tiện để đáp ứng được nhu cầu vận tải của xã hội đồng thời loại bỏ những phương tiện cũ nát thông qua việc quy định niên hạn hoạt động nhằm giảm bớt được ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, nguy cơ "tử thần" rình rập các hành khách đi tàu cao tốc ở Việt Nam không chỉ nằm ở nguyên nhân thiết bị, kỹ thuật.

Trái tuyến

Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, thời gian vừa qua, hoạt động vận tải hành khách bằng tàu cao tốc cánh ngầm đã xảy ra một số sự cố, tai nạn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông hàng hải và đường thủy nội địa.

Cụ thể, thống kê của Cục Hàng hải  tính từ 2007 đến tháng 6/2012 (trong 5 năm) cho thấy, sự cố, tai nạn các tàu cao tốc chở khách có 25 vụ trên đường thủy nội địa làm chết 12 người, bị thương 33 người, chìm 1 phương tiện (xuồng). Trong đó, số vụ tai nạn đâm va là 14 vụ, nguyên nhân tai nạn do người điều khiển chiếm 56%; số vụ mắc cạn 3 vụ chiếm 12%; số vụ sự cố nguyên nhân do lưới quấn chân vịt, làm ngừng máy chính là 1 vụ, chiếm 4%; số vụ tai nạn sóng to gió lớn làm vỡ kính là 1 vụ, chiếm 4%...

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, hiện nay, các tàu cao tốc cánh ngầm về cơ bản đảm bảo các điều kiện an toàn kỹ thuật. Tuy nhiên, còn một số khiếm khuyết liên quan đã được cơ quan chức năng khuyến cáo và cần phải khắc phục ngay.

[Bộ GTVT: Dừng hoạt động tàu cánh ngầm từ 1/9]

Nhưng theo ông Thuấn, điều đáng lo ngại hơn về mặt quản lý, là việc tàu cánh ngầm vẫn hoạt động sai luồng tuyến bởi theo quy định Thông tư 14 của Bộ Giao thông Vận tải, tàu cánh ngầm được coi là phương tiện hoạt động thủy nội địa nhưng khi ra khỏi bến lại hoạt động trên luồng hàng hải.

“Về nguyên tắc, phương tiện chạy trên luồng hàng hải phải được theo dõi giám sát nhưng vì tàu cánh ngầm chỉ được coi là phương tiện thủy nội địa nên nhiều chủ tàu không lắp thiết bị giám sát hàng hải cho tàu của mình. Do đó, cơ quan chức năng cũng không giám sát được,” vị Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông khẳng định.

Chứng minh vấn đề này, ông Thuấn đưa ra dẫn chứng, qua kiểm tra hoạt động tàu cao tốc tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu, đoàn kiểm tra phát hiện trên tuyến có 7 điểm đen, thiết bị giám sát hành trình không đảm bảo vì lắp thiết bị của ôtô, không có bản đồ số của tuyến đường sông. Khi kiểm tra, phương tiện ở dưới sông nhưng trên thiết bị hiển thị ở trên cạn.

Giảm niên cho hạn tàu?

Trước thực trạng đội ngũ tàu cao tốc chở khách nói trên, Bộ Giao thông Vận tải đang chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về niên hạn sử dụng phương tiện thủy cao tốc chở khách tại Việt Nam. Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đã trình 2 phương án quy định niên hạn sử dụng tàu cao tốc chở khách, thời hạn áp dụng và cách tính tuổi tàu.

Cụ thể, ý kiến tham vấn của các Sở Giao thông vận tải, các Bộ, ngành và các cơ quan quản lý liên quan cho rằng, tất cả các phương tiện thủy cao tốc chở khách nên quy định niên hạn sử dụng không quá 25 năm.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, phương án này nếu áp dụng thì không ảnh hưởng đến vận tải, chủ tàu có đủ thời gian để đổi mới phương tiện nên hầu như không tác động xấu đến vận tải hành khách, không ảnh hưởng nhiều đến đầu tư.

Mặt khác, ý kiến của Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố lại đề xuất niên hạn sử dụng của tàu cánh ngầm không quá 21 năm; tàu đệm khí không quá 18 năm; các phương tiện thủy cao tốc chở khách khác không quá 25 năm.

“Theo phương án này thì số lượng phương tiện bị loại khi hết năm 2013 lớn, chủ tàu không có đủ thời gian để đổi mới phương tiện nên sẽ ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu vận tải hành khách (đặc biệt tuyến Sài Gòn-Vũng Tàu) và ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của chủ tàu. Tuy nhiên, nếu áp dụng thì sẽ thúc đẩy chủ tàu đầu tư tàu mới nhưng về mặt tài chính lâu dài sẽ không ảnh hưởng nhiều do tàu mới thì chi phí cho hoạt động sửa chữa ít,” Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết, theo các tiêu chuẩn hiện hành có quy định, thời hạn kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của tàu cao tốc chở khách tối đa là 12 tháng. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra thực tế đối với các tàu cao tốc chở khách trên 20 tuổi, Bộ Giao thông Vận tải đã rút ngắn chu kỳ kiểm tra xuống còn 6 tháng.

Ngoài ra, nhằm giải quyết bài toán hạ tầng luồng tuyến đan xen giữa hàng hải, đường thủy nội địa; bến cảng; quản lý hoạt động tàu… để tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông đối với loại phương tiện này, ông Thuấn đề xuất phải đưa tàu cao tốc cánh ngầm vào loại phương tiện cần giám sát thường xuyên trong suốt lộ trình để kịp thời phát hiện những tàu chạy không đúng luồng tuyến, gặp tai nạn… Kịp thời đưa ra cảnh báo để điều chỉnh khi tàu chạy vào những luồng tuyến đông phương tiện…

“Các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu quy định riêng phối hợp cứu hộ, cứu nạn đối với tàu cao tốc khi xảy ra các tình huống nguy hiểm, tai nạn bởi đặc thù của phương tiện này chạy với tốc độ rất cao, thường xuyên chạy vượt 40 km/giờ, có khi tới 60 km/giờ,” vị Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông cho hay.

Song song với giải pháp trên, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các cảng bến sẽ phải có những quy định để hành khách lên xuống tàu thuận lợi và khách lên tàu phải được hướng dẫn các thao tác sử dụng phao cứu sinh, các tình huống thoát hiểm khi xảy ra sự cố. Thuyền viên trên tàu phải thường xuyên được cập nhật các quy định đảm bảo an toàn hàng hải đặc biệt các quy định phòng chống va trôi, các thông tin về luồng hàng hải.../.

Theo thống kê tại 12 tỉnh thành có số lượng phương tiện thủy lớn của Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải, tàu cao tốc chở khách hoạt động trên đường thủy nội địa có tổng số 335 chiếc trong đó có 282 chiếc đang hoạt động, 53 chiếc hết hạn hoạt động hoặc đang chờ sửa chữa.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), tuổi bình quân của toàn bộ đội tàu cao tốc chở khách là 7,07 tuổi, trong đó 44% là tàu từ 1-5 tuổi. Tuy nhiên, hiện có 11 chiếc trên 20 tuổi, 1 chiếc từ 25-30 tuổi và 1 chiếc từ 30-35 tuổi. Ngoài ra, tàu cao tốc chở khách hoạt động trên biển hiện có 26 chiếc với độ tuổi bình quân là 9,27 tuổi, trong đó 1 chiếc có độ tuổi từ 20-25 năm.
Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục