Báo động tình trạng đói nghèo ở khu vực miền Nam Sahara

Nam Sahara là khu vực duy nhất trên thế giới xảy ra tình trạng số người sống trong hoàn cảnh bần cùng tiếp tục gia tăng, từ 290 triệu trong năm 1990 lên tới 414 triệu người vào năm 2010.
Một em bé vận chuyển nước sinh hoạt về nhà tại trại tị nạn ở Mogadishu, Somalia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Báo cáo công bố ngày 7/7 của Liên hợp quốc cho biết số người sống trong tình trạng bần cùng tại miền Nam sa mạc Sahara đã cao hơn so với năm 1990 và cảnh báo khu vực này sẽ không đạt được hầu hết các mục tiêu phát triển của mình.

Các nước Nam Sahara bị tụt hậu khá xa so với phần còn lại của thế giới. Hàng loạt nguyên nhân như dân số tăng nhanh, các cuộc xung đột và viện trợ quốc tế giảm, sẽ khiến cho khu vực này không thể hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên nhiên kỷ (MDG) theo đúng kế hoạch.

Do tình trạng phần lớn số hàng viện trợ không đến được đúng đối tượng nên viện trợ phát triển chính thức năm 2013 cho châu Phi, khu vực có tới 48 quốc gia bị liệt vào diện kém phát triển, ở mức 134,8 tỷ USD, giảm 5,6% so với năm trước.

Báo cáo cho biết Nam Sahara là khu vực duy nhất xảy ra tình trạng số người sống trong hoàn cảnh bần cùng tiếp tục gia tăng, từ 290 triệu trong năm 1990 lên tới 414 triệu người vào năm 2010.

Tỷ lệ trẻ thường xuyên bị đói tăng từ mức 27 triệu lên tới 32 triệu em trong năm 2012 và tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng tăng từ 44 triệu lên 58 triệu em.

Lĩnh vực mà Liên hợp quốc nhận định có tiến bộ là giáo dục với tỷ lệ trẻ em học tiểu học tăng từ 60% lên 78% trong giai đoạn 2000-2012.

Tuy nhiên, ngay cả trong lĩnh vực này, báo cáo của Liên hợp quốc chỉ rõ 33 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học không được đến trường do xung đột vũ trang liên miên và nhiều vấn đề khẩn cấp khác.

Theo các MDG được đặt ra hồi năm 2000, đến năm 2015, thế giới sẽ giảm một nửa số người thuộc diện bần cùng.

Đánh giá của Liên hợp quốc cho rằng thế giới đã đạt được những tiến bộ trong các MDG về giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em, bệnh nhân HIV/AIDS, cải thiện cung cấp nước sạch, bình đẳng giới và giáo dục.

Báo cáo của Liên hợp quốc dự kiến với đà này, phần lớn các MDG sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2015. Thậm chí, các mục tiêu về giải quyết bệnh sốt rét, lao và tiếp cận các biện pháp điều trị virus HIV/AIDS có thể sẽ tốt hơn so với dự kiến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục