Tuyên truyền về tôn giáo cần liên tục, có trọng điểm

Khó và nhạy cảm là hai từ được nhiều đại biểu đề cập đến khi nói đến công tác tuyên truyền về chính sách tôn giáo và công tác tôn giáo.
Khó và nhạy cảm là hai từ được nhiều đại biểu đề cập đến khi nói đến công tác tuyên truyền về chính sách tôn giáo và công tác tôn giáo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Một hội thảo lấy ý kiến vào dự án “Khảo sát thực trạng công tác tuyên truyền về chính sách tôn giáo và công tác tôn giáo của báo chí trong hệ thống chính trị thời kỳ đổi mới - những kiến nghị, giải pháp” đã được Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức ngày 22/9, tại Hà Nội. Hội thảo có sự tham dự của nhiều cơ quan báo chí Trung ương, Hà Nội và các nhà khoa học chuyên ngành.

Theo các đại biểu, những năm gần đây, báo chí trong nước đã quan tâm tới công tác tuyên truyền về chính sách tôn giáo và công tác tôn giáo nhằm khẳng định đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, định hướng dư luận xã hội, góp phần vào việc ổn định chính trị xã hội, phát triển đất nước.

Báo chí đã làm nổi bật các nội dung cụ thể của công tác tôn giáo theo tinh thần Nghị quyết số 25 của Ban chấp hành Trung ương khóa IX nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của công dân; động viên đồng bào có đạo tích cực đóng góp xây dựng quê hương, đất nước; đấu tranh chống lại âm mưu của các thế lực xấu lợi dụng tự do, tín ngưỡng tôn giáo để chống phá công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân ta; đấu tranh chống lại các hoạt động của tà đạo và mê tín dị đoan.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng nhìn nhận tuyên truyền về chính sách tôn giáo và công tác tôn giáo là một việc khó và nhạy cảm, nhiều phóng viên hiểu biết chưa sâu, ngại đụng chạm vì sợ sai sót. Do vậy, để tìm được một bài viết xuất sắc về tôn giáo là tương đối khó.

Công tác tuyên truyền về chính sách tôn giáo và công tác tôn giáo của báo chí cũng có lúc chưa được cơ quan chủ quản quan tâm thỏa đáng, chưa có định hướng cụ thể, tính năng động chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu trong đời sống tôn giáo hiện nay, thậm chí còn sai sót, gây tâm lý phản cảm trong tín đồ, chức sắc. Nguyên nhân của thực trạng này bắt nguồn từ cả phía các cơ quan báo chí và cơ quan chức năng.

Tính chủ động một phần do báo chí nhưng tính định hướng của các cơ quan chức năng rất quan trọng, việc tiếp cận thông tin của các cơ quan báo chí cũng không phải là dễ dàng. Khi các cơ quan chức năng chủ động định hướng thì báo chí sẽ thông tin kịp thời, hiệu quả hơn.

Các đại biểu cho rằng cần phải tuyên truyền thường xuyên, liên tục, có trọng điểm chứ không nên tập trung tuyên truyền vào một thời điểm. Việc tổ chức tuyên truyền phải chặt chẽ hơn, thành lớp lang cụ thể, mỗi tờ báo có cách tiếp cận khác nhau trên cơ sở tài liệu được cung cấp. Cơ quan quản lý phải có định hướng để tuyên truyền đúng, trúng, hiệu quả.

Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, Việt Nam là nước có nhiều loại hình tín ngưỡng, tôn giáo với trên 20 triệu người có đạo, chiếm 25% dân số cả nước, là tín đồ của 13 tôn giáo và 33 tổ chức, hệ phái đã được công nhận về mặt tổ chức, có trên 60 ngàn chức sắc, nhà tu hành, 200.000 chức việc, trên 25.000 cơ sở thờ tự phục vụ sinh hoạt và thực hiện lễ nghi tôn giáo. Tình hình hoạt động tôn giáo ngày càng sôi động ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa xã hội và chính trị của đất nước.

Sau đổi mới, với chính sách cởi mở, thông thoáng của Đảng và Nhà nước, dựa trên nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân và được thể chế hóa bằng luật pháp, các hoạt động của các tôn giáo được phục hồi và từng bước phát triển.

Các tôn giáo cũng không ngừng đẩy mạnh các hoạt động truyền giáo, phát triển tín đồ, đào tạo chức sắc, in ấn kinh sách, xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự, mở rộng quan hệ quốc tế làm cho hoạt động ngày càng sôi động hơn.

Trong thời gian tới, tín ngưỡng tôn giáo vẫn là vấn đề rất lớn, rất quan trọng, liên quan đến vấn đề dân tộc, vấn đề tư tưởng văn hóa, nên công tác báo chí tuyên truyền về lĩnh vực này cũng rất quan trọng./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục