Đông và Trung Âu - nơi trú ẩn trong bão khủng hoảng

Theo nhận định của một số tổ chức và nhà phân tích chiến lược quốc tế, khu vực Trung và Đông Âu đã trở thành nơi trú ẩn tương đối an toàn trong các thị trường mới nổi tránh làn sóng bán tháo. Giới phân tích cho biết các nước khác như Pháp và Đức nhập khẩu hàng hóa nhiều hơn, nên các nước láng giềng ở thị trường mới nổi sẽ thấy cán cân thương mại nghiêng về phía có lợi nhiều hơn cho họ. Ngoài ra, giới đầu tư cho rằng giá cổ phiếu ở khu vực Trung và Đông Âu nhìn chung vẫn thấp hơn so với lợi nhuận của các doanh nghiệp, tạo cơ hội cho các nhà đầu cơ giá rẻ.
Theo nhận định của một số tổ chức và nhà phân tích chiến lược quốc tế, khu vực Trung và Đông Âu đã trở thành nơi trú ẩn tương đối an toàn trong các thị trường mới nổi tránh làn sóng bán tháo.

Theo Morgan Stanley Capital International (MSCI), thị trường chứng khoán ở Trung và Đông Âu đã tăng 1,2% trong ba tháng qua, so với mức giảm 7,5% trong bức tranh chung của các thị trường mới nổi.

Đồng nội tệ như zloty của Ba Lan và leva của Bulgaria cũng tăng so với đồng USD kể từ tháng Năm, trong khi đồng rupee của Ấn Độ và đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đều giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Đối mặt với những thua lỗ ở một số thị trường mới nổi châu Á và Nam Mỹ, các nhà quản lý tiền tệ đã dồn tiền vào các tài sản như đồng forint của Hungary và các cổ phiếu ngân hàng Séc.

Ông Javier Corominas, phụ trách nghiên cứu kinh tế và chiến lược tiền tệ tại Record Currency Management Ltd., cho biết: "Trung và Đông Âu đã trở thành một nơi trú ẩn tương đối an toàn trong các thị trường mới nổi."

Trong quý Hai vừa qua, Record Currency Management Ltd. đã tiến hành mua vào đồng forint của Hungary và đồng zloty của Ba Lan. Họ đang đánh cược rằng Tây Âu sẽ tăng trưởng trở lại sau thời kỳ suy thoái kéo dài một năm rưỡi và sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với xe ôtô, thiết bị và các loại hàng hóa khác được sản xuất tại Đông Âu.

Trong khi đó, ông Kjetil Birkeland, nhà phân tích cao cấp tại Standish - một công ty con của Ngân hàng New York Mellon Corp, cho biết quỹ của ông, trong đó quản lý 15 tỷ USD trị giá nợ của thị trường mới nổi, đã mua đồng zloty của Ba Lan trong suốt sáu tháng qua. Ông Birkeland hy vọng đồng zloty được hỗ trợ tăng giá khi Đức mua hàng hóa Ba Lan nhiều hơn.

Bên cạnh đó, các nhà phân tích chiến lược quốc tế cũng cho rằng Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) dường như đang thoát ra khỏi cuộc suy thoái dài nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Số liệu được công bố ngày 26/8 cho thấy doanh số bán lẻ của Ba Lan trong tháng Bảy đã tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt dự báo tăng 2,8% trước đó, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 13,1%.

Nền kinh tế Séc đang phục hồi sau thời kỳ suy thoái kéo dài 18 tháng, khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 0,7% trong quý II/2013 so với quý trước đó.

Ông Morgan Harting, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Alliance LP, trong đó quản lý 444 tỷ USD, dự định tăng hoạt động quản lý quỹ tiếp cận với các ngân hàng Séc trong năm nay, giúp tạo ra nhiều khả năng kinh doanh hơn khi nền kinh tế mở rộng. Ông Harting tin rằng nền kinh tế Cộng hòa Séc sẽ cải thiện khi kinh tế các nước láng giềng trở nên tốt hơn.

Xuất khẩu cũng được củng cố ở thị trường mới nổi châu Âu. Theo cơ quan thống kê Hungary, nước này đạt thặng dư thương mại 3,68 tỷ euro (4,92 tỷ USD) trong nửa đầu năm nay, so với 3,62 tỷ euro trong cùng kỳ năm trước.

Ba Lan cũng báo cáo thặng dư 574 triệu euro trong tháng Sáu, so với mức thâm hụt 1,09 tỷ euro một năm trước đó.

Giới phân tích cho biết các nước khác như Pháp và Đức nhập khẩu hàng hóa nhiều hơn, nên các nước láng giềng ở thị trường mới nổi sẽ thấy cán cân thương mại nghiêng về phía có lợi nhiều hơn cho họ.

Ngoài ra, giới đầu tư cho rằng giá cổ phiếu ở khu vực Trung và Đông Âu nhìn chung vẫn thấp hơn so với lợi nhuận của các doanh nghiệp, tạo cơ hội cho các nhà đầu cơ giá rẻ.

Theo MSCI, giá cổ phiếu ở khu vực này đã giảm 34% so với mức đỉnh điểm năm 2011. Theo số liệu của EPFR Global, kể từ đầu tháng 5, các nhà đầu tư đã dồn vốn vào quỹ để đầu tư ròng 230 triệu USD, chủ yếu để mua cổ phiếu của Ba Lan.

Trong khi đó, các nhà đầu tư rút 930 triệu USD trị giá cổ phiếu ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi trong cùng giai đoạn này. Ông Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng phụ trách các thị trường mới nổi tại Capital Economics ở London, cho biết các nền kinh tế mới nổi châu Âu không phải là đối tượng được hưởng lợi nhiều từ chương trình mua vào trái phiếu của Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fed), vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi các nền kinh tế này ít bị ảnh hưởng hơn./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục