Thêm cơ hội thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ

Nhật Bản đang thu thập để công bố điều tra yêu cầu của doanh nghiệp nước mình về lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cần phát triển ở Việt Nam.
Triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam-Nhật Bản lần thứ 3 do Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam (Vietrade) phối hợp với Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức mới đây tại Hà Nội thực sự là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiêu thụ sản phẩm ngay trên thị trường nội địa.

Theo Jetro, các doanh nghiệp của Nhật Bản rất kỳ vọng vào sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam trong những năm tới.

Tham gia triển lãm có 54 công ty Nhật Bản giới thiệu sản phẩm cần mua và 62 công ty Việt Nam giới thiệu sản phẩm cần bán.

Ông Keisuke Kobayashi, Giám đốc dự án thuộc văn phòng Jetro Hà Nội, cho biết sự khác biệt lớn nhất của triển lãm lần này là ban tổ chức đã điều tra trước năng lực của các nhà cung cấp phía Việt Nam, vì vậy khả năng kết nối giữa người mua và người bán lớn hơn nhiều so với hai triển lãm trước.

Ông Kobayashi cho biết thêm triển lãm lần này là một trong những bước đầu tiên thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế Việt-Nhật (VJEPA), có hiệu lực từ đầu tháng trước. Bên lề triển lãm còn có cuộc hội thảo về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Để công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển

Theo ông Ryosuke Fujii, Bí thư thứ hai Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, để công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển, Chính phủ Việt Nam cần quan tâm hơn nữa, xác định những lĩnh vực ưu tiên phát triển, phát triển như thế nào và nguồn vốn ở đâu.

Phía Nhật Bản cũng đưa những vấn đề trên vào dự thảo kế hoạch hành động để Việt Nam tham khảo, bổ sung. Tuy nhiên, hiện Chính phủ chưa thông qua nghị định về ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ và dự thảo về kế hoạch trên của phía Nhật Bản.

Nguyên nhân, theo ông Ryosuke Fujii, là Chính phủ chưa chấp thuận đề nghị của Bộ Công Thương về việc cấp vốn hỗ trợ ngành công nghiệp này và các bộ, ngành khác cũng chưa có phương án phối hợp với bộ chủ quản.

Phó vụ trưởng vụ Công nghiệp nặng thuộc Bộ Công Thương Ngô Văn Trụ cho biết Bộ  này đang làm rõ  thêm một số vấn đề mang tính pháp lý liên quan đến dự thảo nghị định này và muộn nhất vào cuối năm nay, nghị định sẽ được thông qua, với các ưu đãi về công nghệ, hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là thuế, cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Nhật Bản kỳ vọng vào ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam

Theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), các doanh nghiệp nước này rất kỳ vọng vào sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam trong những năm tới.

Một kết quả khảo sát gần đây của JETRO cho thấy nhiều nhà đầu tư lớn của Nhật Bản tại Trung Quốc và Thái Lan đã coi Việt Nam là địa chỉ đầu tư tiếp theo, do chi phí nhân công ở hai nước này tiếp tục tăng cao.

Không chỉ thế, ngay tại các doanh nghiệp nội địa Nhật Bản, trong những tháng vừa qua cũng đã có những làn sóng ngầm xem xét đầu tư vào Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương, trong trào lưu mới là toàn cầu hóa hoạt động của mình.

Phía Nhật Bản đang thu thập và muộn nhất đến đầu sang năm sẽ công bố bảng điều tra các yêu cầu của doanh nghiệp nước mình về việc những ngành và những sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cần phát triển ở Việt Nam.

Ông Fujii cũng hé lộ những lĩnh vực mà các nhà sản xuất Nhật Bản quan tâm trong những năm tới, bao gồm dệt may, xe hai bánh, điện gia dụng, gia công kim loại, thiết bị văn phòng, thiết bị vệ sinh và ôtô.

Theo đại diện Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản (METI), Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính để Việt Nam thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ. Như vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam phát triển công nghiệp phụ trợ cũng có thể hy vọng vào các khoản tín dụng ưu đãi, thông qua ODA từ chính phủ Nhật Bản.

“Tháng trước, một khoản ODA giá trị 117 triệu USD đã được thông qua và chuyển cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, hy vọng trong những năm tới công việc này sẽ tiếp tục được triển khai”, ông Fujii nói./.

Trần Thúy Hằng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục