Ai Cập: 58% cuộc biểu tình liên quan đến lương thưởng

Trong tháng Hai, tại Ai Cập diễn ra 1.044 cuộc biểu tình, trong đó 58% xuất phát từ các nguyên nhân kinh tế và xã hội, trong đó chủ yếu liên quan lương thưởng.

Phóng viên TTXVN tại Cairo dẫn báo cáo mang tên ''Chỉ số Dân chủ'' do Trung tâm Phát triển quốc tế (IDC) công bố ngày 24/3 cho biết Ai Cập đã chứng kiến 1.044 cuộc biểu tình trong tháng Hai vừa qua, một trong những tháng cao điểm biểu tình tại quốc gia Bắc Phi này.

Theo báo cáo, trung bình Ai Cập chứng kiến 37 cuộc biểu tình mỗi ngày, trong đó cao điểm nhất là hôm 8/2 có tới 85 cuộc biểu tình

Thay vì chỉ tập trung vào các ngày thứ Sáu cuối tuần như hồi nửa cuối năm 2013 sau cuộc chính biến lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Mohamed Morsi, biểu tình diễn ra hầu như hàng ngày trong suốt tháng qua.

Các phe phái tham gia cũng rất đa dạng, từ những người ủng hộ ông Morsi, đến các bác sĩ, công nhân, công chức, nhân viên an ninh và giáo viên.

Thống kê cho thấy 58% cuộc biểu tình xuất phát từ các nguyên nhân kinh tế và xã hội, trong đó chủ yếu liên quan đến vấn đề lương thưởng.

Các cuộc biểu tình vì lý do chính trị (chiếm gần 42%) phần lớn được tổ chức nhằm phản đối chính quyền lâm thời do quân đội hậu thuẫn, đòi phóng thích các tù nhân và chống khủng bố.

Gần 1/3 các cuộc biểu tình do tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) tổ chức. Trong khi đó, thủ đô Cairo vẫn là điểm nóng nhất trong cả nước với 144 cuộc biểu tình.

Trước đó, trong tháng 7/2013, Ai Cập đã trải qua làn sóng biểu tình lớn nhất trong lịch sử quốc gia Bắc Phi này cũng như trong lịch sử nhân loại với tổng cộng có 1.432 cuộc, tức trung bình 46 cuộc mỗi ngày và hai cuộc mỗi giờ.

Hơn 30 triệu người đã tham gia các cuộc biểu tình trên toàn quốc phản đối chính quyền của cựu Tổng thống Mohamed Morsi và MB, cũng như ủng hộ giai đoạn chuyển tiếp theo lộ trình được quân đội vạch ra sau cuộc chính biến ngày 3/7.

Trong khi đó, gần một triệu người Hồi giáo cũng đổ xuống đường tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ ông Morsi và phản đối cuộc ''đảo chính quân sự chống lại tính hợp hiến.''

Trong một diễn biến khác, ngày 24/3, người phát ngôn quân đội Ai Cập, Đại tá Ahmed Ali đã lên tiếng cảnh báo về các hành vi lạm dụng danh tính của Bộ trưởng Quốc phòng Abdel-Fattah El-Sisi hoặc uy tín của quân đội nhằm trục lợi.

Trong một tuyên bố trên trang Facebook của mình, ông Ali cho biết trong những ngày qua, lực lượng an ninh đã phát hiện khoảng 1.500 người tham gia các chiến dịch vận động bỏ phiếu ''không chính thức'' và quyên góp bất hợp pháp cho Tư lệnh quân đội El-Sisi tại nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Dự kiến, ông El-Sisi sẽ tuyên bố ra tranh cử trong những ngày tới và được cho là có khả năng giành chiến thắng dễ dàng trong cuộc bầu cử tổng thống ở nước này.

Ủy ban bầu cử tổng thống Ai Cập hiện vẫn chưa công bố thời điểm đăng ký tranh cử dù Luật bầu cử đã được Tổng thống lâm thời Atly Mansour ký ban hành hôm 8/3 vừa qua.

Cho tới nay, chính trị gia cánh tả Hamdeen Sabbahi là người duy nhất chính thức tuyên bố ra tranh cử trong khi nhiều ứng cử viên tiềm năng khác ngỏ ý sẽ không tham gia cuộc chạy đua này./.

(TTXVN/VIETNAM+)

Tin cùng chuyên mục