Tổng thống Nga đọc thông điệp liên bang lần ba

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã đọc thông điệp liên bang lần thứ ba với trọng tâm là chú trọng giáo dục và phát triển thế hệ trẻ.
Ngày 30/11, tại Điện Kremlin, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã đọc thông điệp liên bang lần thứ ba với trọng tâm là chú trọng công tác giáo dục và phát triển thế hệ trẻ mà ông khẳng định sẽ quyết định tương lai của nước Nga.

Sau khi nhắc lại trọng tâm của thông điệp liên bang năm 2009 là công tác hiện đại hóa và thúc đẩy kinh tế Nga, Tổng thống Medvedev nêu rõ Liên bang Nga đã chuyển từ các biện pháp chống khủng hoảng sang thực hiện một chính sách lập ngân sách cân đối và hài hòa.

Ông nhấn mạnh bất chấp ảnh hưởng của khủng hoảng cũng như hạn hán và nạn cháy rừng trong mùa Hè qua, nước Nga vẫn có thể đạt mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 4% trong năm nay.

Chính quyền Nga đã đặt mục tiêu trong ba năm giảm lạm phát xuống còn 4-5%, số người thất nghiệp trong năm qua đã giảm từ mức 7 triệu xuống còn năm triệu người.

Một trong những thành tựu nổi bật khác là bất chấp khủng hoảng và khó khăn, Nhà nước Nga vẫn hoàn thành các cam kết xã hội đối với dân chúng. Thu nhập thực tế của người dân đã tăng gần 13%, những người về hưu và các cựu chiến binh được nhận trợ cấp hưu trí không thấp hơn mức sống tối thiểu.

Sau khi đề cập kế hoạch tiếp tục hiện đại hóa kinh tế thông qua những biện pháp như thành lập thung lũng silicon "Skolkovo"; áp dụng hệ thống định vị vệ tinh Glonass; tăng kinh phí dành cho công tác nghiên cứu của các trường đại học và doanh nghiệp hàng đầu (ba năm chi 30 tỷ rúp - gần một tỷ USD); biến Mátxcơva thành Trung tâm tài chính quốc tế; tạo thêm việc làm và khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ, Tổng thống Medvedev đã dành phần lớn thời gian để trình bày công tác giáo dục, chăm sóc và phát triển thế hệ trẻ, đặc biệt là trẻ em ở lứa tuổi chưa đi học.

Tổng thống Medvedev nhấn mạnh Nhà nước phải bảo đảm phát triển lành mạnh cho 26 triệu trẻ em Nga hiện nay và giải quyết thành công nhiệm vụ hàng đầu liên quan đến dân số. Thời gian qua, Nga đã khắc phục được tình trạng dân số phát triển âm, nhưng tình trạng này kéo dài từ những năm 90 của thế kỷ trước đến nay sẽ còn tác động tiêu cực đến nước Nga trong một thời gian dài.

Trước mắt, chính quyền phải áp dụng những biện pháp hữu hiệu nhằm đạt mức tăng dân số như khuyến khích vật chất cho những gia đình sinh con thứ ba trở lên với mức trợ cấp 3.000 rúp/tháng/em (gần 100 USD) và cấp đất xây nhà ở cho họ; áp dụng các hình thức khen thưởng các bà mẹ đông con hoặc nuôi dưỡng nhiều con.

Ngoài ra, chính quyền sẽ sửa chữa và xây dựng các nhà trẻ-mẫu giáo mới để giải quyết dứt điểm tình trạng có tới hơn 1,6 triệu em trong toàn Liên bang đầu năm học phải xếp hàng chờ nhập học tại các nhà trẻ-mẫu giáo, cải thiện và nâng cấp cũng như xây dựng mới các bệnh viện nhi với kinh phí sẽ được cấp cho hai năm tới là 100 tỷ rúp (khoảng 3,3 tỷ USD); trợ giúp, tạo điều kiện tham gia hoạt động xã hội và hướng nghiệp cho những trẻ em bị bệnh hiểm nghèo và tàn tật; chấm dứt tình trạng trẻ em mồ côi ở Nga hiện lên tới 130.000 em; áp dụng các biện pháp hữu hiệu chống bạo lực gia đình và bạo lực trẻ em.

Ông Medvedev khẳng định giáo dục trẻ em phát triển lành mạnh, có kiến thức và có văn hóa là nhiệm vụ của toàn xã hội Nga.

Tiếp đó, Tổng thống Medvedev đã đề cập những nhiệm vụ quan trọng khác đối với nước Nga hiện nay, gồm đánh giá lại và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường xung quanh; chống tham nhũng; hoàn thiện bộ luật hình sự; cải cách lực lượng cảnh sát, hiện đại hóa quân đội để bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia; hoàn thiện nền dân chủ và công tác tự quản địa phương.

Đề cập chính sách đối ngoại, Tổng thống Medvedev nhấn mạnh Nga chủ trương hợp tác với tất cả các nước nhằm soạn thảo và áp dụng cơ chế chống phổ biến tên lửa, trong đó có phổ biến hệ thống phòng thủ tên lửa.

Tổng thống Medvedev cảnh báo trong trường hợp ngược lại, thế giới sẽ phải đối mặt với một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Về phát triển hợp tác kinh tế-thương mại, Tổng thống Medvedev cho biết Nga chú trọng trước hết đến Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), tăng cường quan hệ với các nước châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Trung Quốc, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Nhóm BRIC (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc), thúc đẩy quan hệ với các nước Mỹ Latin và châu Phi.

Nga ủng hộ việc củng cố hợp tác quốc tế nhằm chống cướp biển và đối phó với các tình trạng khẩn cấp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục