Đổi mới, nâng cao chất lượng thi tuyển công chức

Bộ trưởng Nội vụ khẳng định thời gian tới sẽ đổi mới, nâng cao chất lượng thi tuyến công chức, viên chức theo hướng minh bạch, khách quan.
Tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã; giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền ở cơ sở là những vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình tại phiên họp thứ sáu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 26/3.

Chất vấn về vấn đề chế độ chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo quy định của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) băn khoăn Nghị định còn nhiều bất cập, mức phụ cấp thấp, chế độ bảo hiểm mà họ được hưởng không bằng một công nhân khi tham gia lao động trong doanh nghiệp, điều này đã làm giảm nhiệt huyết đối với cán bộ làm việc không chuyên trách, vậy Bộ Nội vụ có giải pháp gì để giữ chân đội ngũ này?

Đây cũng là mối quan tâm của các đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), Trương Minh Chiến (Bạc Liêu), Trương Minh Hoàng (Cà Mau) với những lập luận trong khi Nghị định quy định mức phụ cấp cho người người hoạt động không chuyên trách cấp xã quá thấp, cao nhất là 1,0 so với lương tối thiểu chung, phần nhiều không được hưởng chế độ chính sách, không được nâng lương theo thâm niên, không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nên không được hưởng chế độ ốm đau, thai sản thì họ phải làm việc không khác gì một công chức, viên chức, thời gian làm việc chiếm đến cả ngày và đã góp phần lớn để hoàn thành nhiệm vụ ở cơ sở, đây là thiệt thòi rất lớn.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết với hơn 40 năm làm công tác ở cơ sở, ông thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với các đối tượng là cán bộ chuyên trách, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, xã phường cũng như những khó khăn của các địa phương trong việc giải quyết chế độ chính sách cho các đối tượng này.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nhấn mạnh tổ chức bộ máy cấp xã, phường là nơi tiếp nhận đường lối chủ trương của Đảng, nhà nước, truyền bá ra dân, làm nòng cốt để dân thực hiện các chính sách. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm đến bộ máy cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố, song chế độ chính sách đối với họ cũng còn nhiều khó khăn. Nhiều địa phương đã phản ánh cần phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

Bộ trưởng Nội vụ cho biết việc quy định những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố đã được nêu tại các Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa IX), Trung ương 6 (Khóa X) của Đảng và đã được quy định tại Luật Cán bộ, công chức năm 2008. Vì vậy để có đủ căn cứ hoàn thiện toàn diện chế độ, chính sách đối với các đối tượng này cần phải tiến hành tổng kết các Nghị quyết của Đảng.

Bộ Chính trị đã giao Bộ Nội vụ xây dựng đề án chế độ chính sách đối với cán bộ xã phường thị trấn và chế độ chính sách đối với cán bộ về công tác nơi có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, trên cơ sở sơ tổng kết các chính sách đã áp dụng thời gian qua, Bộ sẽ nghiên cứu xây dựng chính sách cho phù hợp. Trước mắt Bộ Nội vụ đang xin ý kiến Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định.

Trả lời ý kiến của đại biểu về vấn đề cải cách chế độ công vụ công chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, năm 2012, Bộ Nội vụ đã và đang tiến hành xây dựng đề án cải cách chế độ công vụ công chức, đây là vấn đề lớn mang tính chất trọng tâm suốt nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIII.

Trong đó, nhấn mạnh đến việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế; thực hiện thi nâng ngạch công chức, viên chức theo nguyên tắc cạnh tranh; thực hiện cải cách tiền lương; triển khai xác định vị trí việc làm, cơ cấu công chức theo chức danh; phân công, phân cấp danh mục vị trí việc làm; đổi mới và nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức, viên chức theo hướng công khai, minh bạch, khách quan; thi tuyển chọn lãnh đạo, quy định chế độ tập sự lãnh đạo; xây dựng chính sách nhân tài, tiến cử người có tài năng; quy định chế độ từ chức, hình thành văn hóa từ chức; tổ chức rà soát, kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy đối với người không hoàn thành nhiệm vụ…

Về vấn đề cải cách thủ tục hành chính nhưng bộ máy hành chính không giảm, biên chế ngày càng tăng, một số bộ có quá 4 Thứ trưởng và đang “phình” thêm cục, tổng cục như đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề cập, Bộ trưởng cho biết đây là vấn đề gây áp lực rất lớn đối với Bộ Nội vụ. Nghị định 178/2007/NĐ-CP quy định mỗi bộ có không quá 4 Thứ trưởng nhưng cũng có cơ chế mở là trong trường hợp đặc biệt thì sẽ do Thủ tướng quy định. Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ xin ý kiến Chính phủ để sửa đổi một số điều của Nghị định này và cũng quy định cụ thể nếu có cơ chế “mở” thì “mở” đến mức nào.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cũng trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề cải cách tiền lương, việc thi tuyển, bố trí và đào tạo công chức, viên chức, điều chuyển viên chức sang công chức… Trước ý kiến của đại biểu về việc có địa phương quy định phân biệt loại hình đào tạo chính quy và không chính quy trong tuyển dụng, Bộ trưởng này khẳng định mọi loại hình đào tạo đều có thể tham gia thi tuyển công chức, viên chức, không phân biệt loại hình đào tạo nào.

Về những “ách tắc” của các địa phương trong việc chuyển từ viên chức sang công chức khi phải thông qua Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết thẩm quyền giải quyết chuyển viên chức sang công chức phải qua Bộ Nội vụ, theo nguyên tắc thì các viên chức phải qua kỳ thi để chuyển. Bộ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu, trong tháng 4/2012, Bộ sẽ làm tờ trình trình Chính phủ sửa đổi nội dung này, về cơ bản thống nhất giao cho các địa phương có thẩm quyền chuyển đổi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Bộ Nội vụ đề xuất một số chủ trương, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và bộ máy nhà nước; tiếp tục tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, có kế hoạch quy hoạch đào tạo cán bộ, công chức, viên chức, gắn đào tạo, bồi dưỡng với sử dụng.

Phó Chủ tịch cũng yêu cầu Bộ biên soạn lại hệ thống chương trình ngạch bậc, sớm nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, sửa đổi Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân trong đó có vấn đề chính quyền cơ sở, xây chính quyền đô thị, nông thôn tại các địa phương; xây dựng chính sách phù hợp để thu hút sinh viên có trình độ về công tác tại cơ sở theo chuyên ngành đào tạo mà địa phương cần.

Đánh giá cao các ý kiến chất vấn cũng như phần trả lời thẳng thắn của hai Bộ trưởng Y tế và Nội vụ trong ngày 26/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định qua chất vấn những vấn đề đặt ra của các vị đại biểu và trả lời của các Bộ trưởng đã cho thấy những thành tựu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, trong công tác tổ chức cán bộ và quản lý hành chính nhà nước; đồng thời cũng làm nổi rõ những vấn đề tồn tại, bức xúc, cần tiếp tục giải quyết.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định phiên chất vấn được thực hiện theo sự ủy quyền của Quốc hội là một sự đổi mới và mong rằng các cơ quan, tổ chức liên quan của Quốc hội sẽ làm tốt hơn để phiên họp sau việc thực hiện chất vấn có sự tham gia trực tuyến của 63 đoàn và sự giám sát của nhân dân được tiến hành một cách có chất lượng hơn./.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục