Mỹ điều B-52 đi vào "ADIZ" là nhằm ủng hộ Nhật

Mỹ điều B-52 đi vào "ADIZ của Trung Quốc" là nhằm ủng hộ Nhật

Việc Mỹ đưa máy bay B-52 đi vào vùng nhận dạng phòng không do Trung Quốc đơn phương xác lập là nhằm thể hiện quan điểm ủng hộ Nhật Bản.
Đồ họa của CNN mô tả lộ trình bay của B-52 xuất phát từ Guam, đi vào ADIZ mà Trung Quốc đơn phương xác lập.

Căng thẳng tại khu vực Biển Hoa Đông sau khi Trung Quốc bất ngờ thiết lập "Vùng nhận dàn phòng không" (ADIZ) đã được đẩy lên một nấc mới khi hai máy bay B-52 của Mỹ đã bay vào vùng không phận tranh chấp này mà không thông báo với Bắc Kinh, thách thức tuyên bố của Trung Quốc.

Theo AFP, các chuyến bay này gửi đi lời cảnh báo rõ ràng rằng Washington sẽ không nhượng bộ lập trường cứng rắn của Bắc Kinh ở vùng này. Động thái này cũng là dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ với Nhật Bản, nước đang có quan hệ căng thẳng với Trung Quốc vì tranh chấp chủ quyền đảo trên biển Hoa Đông.

Các máy bay này, không mang theo bom, đã cất cánh từ Guam ngày 26/11 trong một chuyến bay được lên lịch từ trước, trong một phi vụ thường xuyên có tên “Các chuyến bay huấn luyện sấm sét toàn cầu ở vùng đảo san hô.”

“Tối hôm qua, chúng tôi đã tiến hành các hoạt động huấn luyện được lên kế hoạch từ trước với sự tham gia của hai máy bay từ Guam, rồi trở lại Guam”, người phát ngôn Lầu năm góc, đại tá Steven Warren, nói với các phóng viên.

Dù Trung Quốc khẳng định nước này có quyền giám sát vùng trời trên khu vực quần đảo tranh chấp mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản gọi là Senkaku, họ không hề công bố kế hoạch bay từ trước và nhiệm vụ của không quân Mỹ đã diễn ra mà “không gặp sự cố nào”, Warren nói.

Hay máy bay này đã có “không tới một giờ đồng hồ” bay trên ADIZ do Trung Quốc đơn phương xác lập và không gặp máy bay nào của Bắc Kinh, theo lời Warren. 

Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên xác nhận với AFP rằng hai máy bay Mỹ là máy bay ném bom B-52.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố nước này đã "theo dõi" các máy bay B-52 của Mỹ khi chúng bay vào vùng trời nói trên.

Các chuyến bay quân sự này có tầm quan trọng lớn về mặt biểu tượng, diễn ra một tuần trước khi Phó tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Trung Quốc, Nhật Bản và Han Quốc trong tháng tới.
Hàn Quốc cũng tuyên bố chủ quyền với quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông và cả hai đều bác bỏ động thái thiết lập ADIZ của Bắc Kinh. Với quan điểm không đứng về phía nào trong các tranh chấp lãnh thổ, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon ngày 26/11 đã kêu gọi Trung Quốc và Nhật Bản thương lượng để chấm dứt tranh cãi.

Ông Ban nói rằng căng thẳng cần phải được giải quyết “thông qua đối thoại và thương lượng”.

Theo các quy định đơn phương do Trung Quốc công bố, các máy bay vào vùng này phải tuyên bố trước kế hoạch bay, xác định rõ quốc tịch và duy trì liên lạc vô tuyến hai chiều để đáp lời nhà chức trách Trung Quốc.

Các quan chức Lầu năm góc nói quan điểm của Mỹ là khu vực này là không phận quốc tế, và máy bay quân sự của nước này sẽ hoạt động bình thường mà không thông báo kế hoạch bay cho Trung Quốc.
Nhật Bản, Mỹ và một số nước khác đã bác bỏ việc Trung Quốc tuyên bố ADIZ sau khi Bắc Kinh ra một thông báo chính thức ngày thứ Bảy. Bộ ngoại giao Mỹ nhắc lại những chỉ trích của họ ngày thứ Ba, nói hành động của Trung Quốc là một nỗ lực “đơn phương hòng làm thay đổi nguyên trạng ở biển Hoa Đông”.

Động thái này “sẽ làm gia tăng căng thẳng và rủi ro tính toán sai, đối đầu và các sự cố” trong khu vực, người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói. Australia đã triệu đại sứ Trung Quốc tới để bày tỏ quan điểm trong khi các hãng hàng không Nhật Bản nói họ sẽ không tuân theo luật mới của Trung Quốc.

Pháp và Đức đều bày tỏ quan ngại và hối thúc các bên kềm chế. “Chúng tôi mong muốn một giải pháp hòa bình thông qua đối thoại với tranh chấp này, tương ứng với luật pháp quốc tế”, người phát ngôn Bộ ngoại giao Pháp Romain Nadal nói.

Tranh chấp với quần đảo này đã kéo dài vài thập kỷ nhưng vào tháng 9/2012, Nhật Bản đã quốc hữu hóa ba đảo. Bắc Kinh cũng cáo buộc Tokyo tìm cách làm thay đổi hiện trạng và đã nhiều lần cử tàu cùng máy bay tới các vùng biển và không phận xung quanh đảo.
Đáp lại, Nhật Bản đã triển khai các tàu chiến và máy bay, gây ra lo ngại về căng thẳng có thể trở thành các vụ đụng độ. 

Đáp lại ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc, Mỹ đã tập trung sự chú ý chiến lược sang châu Á, lên kế hoạch mở rộng sự hiện diện quân sự ở khu vực Thái Bình Dương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục