Phát triển hạ tầng: Cần tư nhân tham gia nhiều hơn

Không thể chỉ trông chờ vào nguồn vốn của Chính phủ để phát triển cơ sở hạ tầng, mà cần phải có sự tham gia mạnh mẽ hơn của khu vực tư nhân.
Theo tính toán của Chính phủ, từ nay đến năm 2020, nhu cầu vốn cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam chiếm khoảng từ 10-11% GDP.

Với điều kiện tài chính hiện tại thì không thể chỉ trông chờ vào nguồn vốn của Chính phủ để phát triển cơ sở hạ tầng như mong muốn, mà cần có sự tham gia mạnh mẽ hơn của khu vực tư nhân.


Sẽ có những dự án thí điểm

Theo ông Kamran Khan, Trưởng nhóm nghiên cứu, tài trợ cơ sở hạ tầng của Ngân hàng Thế giới, hiện Việt Nam đang chi khoảng 8-9% GDP cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó phần lớn từ nguồn tài trợ ODA.

Đến năm 2010, dự kiến mức thiếu hụt tài trợ dành riêng cho việc phát triển hạ tầng cơ sở sẽ vào khoảng 5% GDP.

Dẫn chứng riêng trong ngành giao thông vận tải, nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân sách nhà nước thì có lẽ rất nhiều dự án giao thông đã phải trì hoãn dài vì nguồn vốn này chỉ đảm bảo khoảng 30-40% nhu cầu cho đầu tư đến năm 2020.

Chính vì vậy, từ vài năm trước, Bộ Giao thông Vận tải đã “bật đèn xanh” cho 16 dự án nhỏ, chủ yếu trong lĩnh vực đường bộ, thực hiện theo mô hình hợp tác nhà nước và tư nhân. Tuy nhiên, phần lớn vốn đầu tư vẫn  là của doanh nghiệp nhà nước.

Cũng có một số dự án lớn như xây dựng đường cao tốc, doanh nghiệp đồng thời là chủ đầu tư nhưng cũng vẫn là doanh nghiệp nhà nước, nguồn vốn thì từ trái phiếu Chính phủ, do Chính phủ bảo lãnh hoặc vốn vay lại từ nguồn ODA của Chính phủ.

Nhận định tiềm năng đầu tư của khu vực tư nhân là rất lớn, có thể bù đắp thiếu hụt tài trợ cơ sở hạ tầng nhưng chuyên gia Kamran Khan cũng cho rằng Việt Nam vẫn còn thiếu các dự án khả thi và được chuẩn bị tốt để các  nhà đầu tư tư nhân sẵn sàng tham gia. Do đó, theo ông, Việt Nam cần phải có các dự án thí điểm để rút bài học kinh nghiệm cụ thể.

Đồng tình với những ý kiến của đại diện Ngân hàng Thế giới, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết Việt Nam sẽ sớm thí điểm một vài dự án xây dựng cơ sở hạ tầng theo hình thứ hợp tác nhà nước và tư nhân (PPP).

“Phải làm thí điểm trước để hình dung ra con đường mình đii, sau đó mới biết là vấp ở đâu để sửa chữa. Nếu các dự án đó có được sự đồng thuận của xã hội, cơ quan nhà nước, tư nhân, định chế tài chính, thì mới cho triển khai đại trà”, ông Đông nói.

Trước đó, tại Việt Nam đã có một số dự án có khả năng thu hồi vốn có sự tham gia của khu vực tư nhân (kể cả khu vực FDI) như Dự án Nhiệt điện Phú Mỹ 2, dự án BOT Cầu Cỏ May (Bà Rịa-Vũng Tàu), dự án BOT nâng cấp quốc lộ 1 đoạn An Sương-An Lạc (Thành phố Hồ Chí Minh).

Kết quả triển khai các dự án này đã cho thấy chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là khu vực tư nhân, là một chủ trương “vẹn cả đôi đường”.

Ông Nguyễn Trọng Tín, Vụ trưởng Vụ kết cấu hạ tầng thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết Bộ đã giới thiệu với Ngân hàng Thế giới 3 dự án tiềm năng là dự án đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết, dự án cấp nước sông Đuống và dự án đường cao tốc Ninh Bình-Thanh Hóa.

Hiện dự án đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết được chọn là dự án thí điểm đầu tiên đủ điều kiện và đã được Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Dựng “khung” cho PPP

Do việc áp dụng mô hình PPP ở Việt Nam mới đang ở dạng thí điểm nên quá trình thực thi còn nhiều vướng mắc và quan ngại. Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm (Tổng hội xây dựng Việt Nam) đưa ra một ví dụ về việc thu gom rác ở Quận Dương Kinh (Hải Phòng).

Ông cho biết chính quyền Dương Kinh không phân chia tài chính rõ ràng về việc trả tiền vệ sinh giữa nhà nước và các hộ dân, mà lại giao toàn bộ cho bà con tự thực hiện và chi trả.

“Việc khoán trắng là quan điểm hết sức sai lầm. Nghiên cứu ở một số địa phương tôi thấy có nơi tăng giá điện nhưng lại không cho nước tăng giá, hai bên mâu thuẫn và người dân chịu thiệt thòi. Ngyên nhân cũng chỉ vì không có khung pháp lý hoàn chỉnh mà thôi”, ông Liêm bình luận. 

Theo ông, hiện vẫn còn có sự phân biệt đối xử giữa thành phần doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, nên cần phải đưa ra một khung luật chung để chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm cũng như rủi ro giữa hai bên trong quá trình hợp tác.

Ngoài ra, ông Liêm cũng đề xuất nên có những nghị định riêng đối với từng ngành, và đây là công việc cấp bách cần làm ngay nếu Việt Nam muốn thu hút FDI hơn nữa.

Khi tư nhân gặp khó khăn trong việc vay vốn từ phía ngân hàng, theo ông Liêm và nhiều chuyên gia khác, Nhà nước nên xem xét cơ chế bảo lãnh cho các chủ dự án PPP vay vốn trong nước, nước ngoài, và có những chính sách phù hợp về thuế.

Trả lời thắc mắc của nhiều doanh nghiệp về việc xét duyệt tư cách nhà thầu còn gặp nhiều khó khăn, Thứ trưởng Đông cho biết: “Tất cả các tiêu chí đều được công khai minh bạch, nhà thầu phải đáp ứng được hai tiêu chí là đủ năng lực về tài chính và kinh nghiệm. Còn việc xét duyệt sẽ không khó khăn, trừ khi đơn vị đó không làm đúng quy trình, không có bài bản và nếu có sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm”.

Ông Đông còn nhấn mạnh những lĩnh vực nào khu vực tư nhân có thể làm được mà Nhà nước không nhất thiết phải đầu tư thì giao cho khu vực tư nhân làm.

Những lĩnh vực cần có sự hỗ trợ của Nhà nước với tư cách là cơ quan đảm bảo hoặc cơ quan góp vốn ban đầu thì sẽ triển khai theo mô hình PPP. Vấn đề khung khổ pháp lý, quy hoạch tổng thể, nguồn nhân lực cho cơ chế PPP cũng được đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết là sẽ hoàn thành sau khi kết thúc quá trình thử nghiệm.

Ngoài ra, theo nhiều ý kiến, Chính phủ cần có một hệ thống minh bạch và đơn giản để cải thiện tính khả thi về tài chính, cần có một hệ thống quy định và thủ tục toàn diện, rõ ràng để điều chỉnh hoạt động của khu vực tư nhân, có các giao dịch mẫu để xây dựng niềm tin của khu vực tư nhân vào hệ thống này.

Bài học rút ra từ các nước như Singapore, Nhật Bản… là chính phủ và các bộ ngành phải công khai hóa thông tin, đảm bảo kiểm toán minh bạch, có như vậy mô hình PPP mới phát huy được hiệu quả như mong đợi./.

 Bài viết này được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa tạp chí Doanh nhân (thuộc VCCI) và Vietnam+
(Doanh nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục