AL, Nga và Ấn Độ chỉ trích chiến dịch chống Libya

Những gì đang xảy ra tại Libya hoàn toàn khác so với mục tiêu áp đặt vùng cấm bay tại Libya và không đúng với mong muốn của AL.
Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Cairo của Ai Cập ngày 20/3, Tổng Thư ký Liên đoàn Arập (AL), ông Amr Mussa, đã chỉ trích các cuộc tấn công quân sự của phương Tây nhằm vào Libya.
 
Người đứng đầu AL tuyên bố những gì đang xảy ra tại Libya hoàn toàn khác so với mục tiêu áp đặt vùng cấm bay tại Libya và không đúng với mong muốn của AL là bảo vệ dân thường chứ không phải ném bom vào các dân thường khác. Tổng Thư ký Mussa cho biết ông đang xúc tiến để triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của 22 nước thành viên AL về những diễn biến mới nhất ở Libya.
 
Tuyên bố trên của Tổng Thư ký Mussa được đưa ra sau khi liên quân gồm Mỹ, Pháp và Anh tối 19/3 đã sử dụng tên lửa hành trình và máy bay tấn công các lực lượng quân sự và hệ thống phòng không của Libya. Trước đó, ngày 12/3, AL đã hối thúc Liên hợp quốc (LHQ) áp đặt vùng cấm bay tại nước này. Năm ngày sau đó, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đã thông qua nghị quyết 1973 cho phép thiết lập vùng cấm bay ở Libya đồng thời yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức và chấm dứt mọi hành động bạo lực tại nước này.
 
Trong khi đó, Nga cũng kêu gọi liên quân chấm dứt việc sử dụng vũ lực bừa bãi có thể sát hại nhiều dân thường Libya. Theo phóng viên TTXVN tại Mátxcơva, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Alexander Lukashevich ngày 20/3 nêu rõ các cuộc không kích đã vượt quá quyền hạn cho phép trong nghị quyết 1973 của HĐBA LHQ. Nga phản đối và kêu gọi liên quân ngừng ngay cuộc không kích chống Libya, đồng thời phải thực hiện nghiêm chỉnh nghị quyết là chỉ áp dụng các biện pháp bảo vệ dân thường.
 
Nga cũng kêu gọi các bên liên quan thực thi ngay các biện pháp cấp bách nhằm bảo đảm an ninh cho các nhà ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao ở Libya. Nga cho rằng cần phải tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại nước này trên cơ sở bảo đảm ổn định và sự phát triển dân chủ trong tương lai thông qua việc ngừng bắn ngay lập tức và tổ chức đối thoại giữa các bên xung đột.
 
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho biết hậu quả các cuộc không kích của liên quân nhằm vào các mục tiêu phi quân sự tại thủ đô Tripoli và 3 thành phố khác của Libya là ít nhất 48 dân thường thiệt mạng và hơn 150 người bị thương, nhiều cơ sở y tế và hệ thống cầu cống bị phá hủy. Đài Truyền hình quốc gia Libya đưa tin số người thiệt mạng đã lên tới 64 người.
 
Cùng ngày 20/3, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã ra tuyên bố bày tỏ hết sức quan ngại về "tình trạng bạo lực, xung đột tiếp diễn và tình hình nhân đạo đang xấu đi" tại Libya, đồng thời tỏ ý lấy làm tiếc về các cuộc không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu ở Libya và kêu gọi tất cả các bên từ bỏ sử dụng vũ lực và giải quyết các bất đồng bằng các biện pháp hoà bình. Ấn Độ cho rằng các biện pháp được thực hiện cần phải giảm nhẹ chứ không làm xấu thêm tình hình vốn đã khó khăn đối với nhân dân và đất nước Libya. Ấn Độ hy vọng các cuộc không kích sẽ không gây tổn hại cho thường dân, người nước ngoài cũng như các phái đoàn ngoại giao cùng các quan chức và nhân viên của Ấn Độ hiện ở Libya.
 
Từ Vatican, ngày 20/3, Giáo hoàng Benedict XVI cũng hối thúc các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị cân nhắc tới tính mạng của người dân Libya và đảm bảo họ được tiếp cận các dịch vụ cứu trợ khẩn cấp. Giáo hoàng cũng cho biết ông sẽ cầu nguyện vì một nền hòa bình tại Bắc Phi.
 
Liên quan tới chiến dịch quân sự chống Libya này của Mỹ, Pháp và Anh, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cảnh báo phương Tây đang đứng trước nguy cơ rơi vào "một sứ mạng kéo dài" tại quốc gia Bắc Phi này. Đức, nước thành viên không thường trực HĐBA, là một trong 5 nước đã bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết 1973 của cơ quan này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục