Cải cách thủ tục hành chính mới “đột” mà chưa “phá”

Cải cách thủ tục hành chính đã có những tiến bộ lớn, song lại xuất hiện rào cản mới từ sự quản lý thiếu thống nhất của địa phương, bộ, ngành.
Đề án đơn giản hóa cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước được thực hiện từ năm 2007 đến nay đã bước đầu đặt nền móng cho sự thống nhất đồng bộ, đơn giản, công khai minh bạch của hệ thống thủ tục hành chính tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo báo cáo từ Cục Kiểm soát thủ tục hành chính-Bộ Tư pháp, trong quá trình triển khai ở những giai đoạn vừa qua, những khiếm khuyết và bất cập của hệ thống thủ tục hành chính hiện hành đã được nhận diện rõ nét hơn, đặc biệt là các vấn đề về chất lượng của những quy định cũng như quá trình thực hiện tại cơ quan quản lý nhà nước.

Có giảm, nhưng thiếu tính đa ngành

Số liệu từ Bộ Tư pháp, giai đoạn 2011 đến tháng 6/2013, các bộ, ngành trong cả nước đã hoàn thành đơn giản hóa 3.606 thủ tục hành chính trong tổng số hơn 4.049 thủ tục hành chính đã được Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, hoạt động cải cách thủ tục hành chính thời gian qua cũng đã được xã hội, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Kết quả đó là những thay đổi trong mối quan hệ truyền thống giữa cơ quan hành chính nhà nước với công dân, như giảm sự can thiệp của cơ quan hành chính nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của cá nhân, tổ chức đồng thời việc áp dụng cơ chế liên thông đã tăng cường được sự phối hợp của các cơ quan nhà nước và giảm thiểu chi phí không cần thiết cho xã hội…

Song ông Đậu Anh Tuấn, Phó trưởng ban phụ trách, Ban pháp chế-Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ ra, qua khảo sát lấy ý kiến từ hơn 8.000 doanh nghiệp trong cả nước cho thấy các thủ tục về xây dựng, bảo hiểm xã hội, thủ tục đăng ký doanh nghiệp và cấp giấy chứng nhận đầu tư, thủ tục đất đai, thủ tục thuế là 5 lĩnh vực mà doanh nghiệp gặp khó khăn nhất khi thực hiện các thủ tục hành chính.

“Cải cách thủ thục hành chính nếu nhìn từng ngành đã thấy sự xuyên sốt, nhưng khi liên kết đa ngành thì còn khá phức tạp, chồng chéo, chia cách, phân tán và kết quả là suy giảm hiệu lực thi hành, khiến hệ thống pháp luật đầu tư thiếu tính ổn định, minh bạch và đồng bộ,” ông Tuấn nói.

Trên thực tế, nhà đầu tư thực hiện các thủ tục ban đầu từ khi có ý định đầu tư cho đến khi xây dựng nhà máy, sẽ được “bơi” trong hệ thống văn bản pháp luật với quy trình thủ tục hành chính chịu sự điều chỉnh từ 6 bộ luật có liên quan, 10 nghị đinh, 9 thông tư và một số lượng lớn văn bản hướng dẫn cấp tỉnh đa dạng, phức tạp và khó có cơ quan nào có thể thống kê đầy đủ.

Dưới góc độ nhà đầu tư, ông Nguyễn Quốc Hiệp, đại diện Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, hiện không có ở đâu cấp thủ tục chấp thuận đầu tư chỉ trong 60 ngày là xong, bởi quyền chấp thuận đầu tư là thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh và các sở,  ban ngành. Do đó, dự án có tốc độ cấp giấy phép nhanh kỷ lục cũng phải là 14 tháng (trong điều kiện là rất thuận lợi và nhanh chóng).

“Nghịch lý thủ tục hành chính càng hoàn chỉnh thì càng phức tạp, bệnh ban hành thông tư ở các bộ, ngành vẫn tràn lan, khiến môi trường đầu tư chưa thông thoáng. Nhà đầu trong nước còn thấy mông lung thì nhà đầu tư nước ngoài còn khó khăn đến mức độ nào?

Đó là chưa kể, là nhà đầu tư thì phải dự báo được thị trường, nhưng chúng tôi không thể tính được khi các dự án ra được quyết định thì đã 'trôi' vài năm so với điều kiện thị trường. Nhà đầu tư không có cơ chế tự bảo vệ mình, họ luôn phải tự chịu các rủi ro, mà trong đó các rủi ro từ các văn bản và các mệnh lệnh hành chính thì không thể cưỡng lại,” ông Hiệp than phiền.

Qua thống kê từ VCCI, doanh nghiệp bước vào thị trường đầu tiên sẽ phải thực hiện ít nhất 18 thủ tục hành chính chính thức, song bên trong các thủ tục hành chính “lớn” này lại có rất nhiều thủ tục hành chính “con” và thậm chí trong đó lại là hàng loạt thủ tục hành chính “cháu”. Điều này dường như cho thấy, doanh nghiệp đang phải “tự thu xếp” việc cấp phép đầu tư thay cho cơ quan quản lý nhà nước.

Địa phương "thỏa sức" sáng tạo  

Với hệ thống thủ tục hành chính khá phức tạp, các địa phương đã có những giải pháp cải cách cho phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mình. Nhưng, chính những điều này đang khiến nhà đầu tư, doanh nghiệp lúng túng và rất khó có thể xác định phải bắt đầu đi từ thủ thục nào.

Theo nghiên cứu từ VCCI, nếu đầu tư tại Hà Tĩnh, nhà đầu tư phải thực hiện lộ trình từ chấp thuận chủ trương đầu tư, giới thiệu địa điểm đầu tư rồi đến quyết định cho phép khảo sát và phê duyệt dự án đầu tư.

Tại Hà Nội, nhà đầu tư lại đi theo trình tự lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất thông qua đấu thầu hoặc chỉ định thầu. Ở Thừa Thiên-Huế, nhà đầu tư lại có trình tự đi từ chấp thuận chủ trương nghiên cứu dự án….

Bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc Công ty tư vấn MCG cho biết, MCG đã tư vấn cải cách các thủ thục tục đầu tư tại các địa phương Bắc Ninh, Thừa Thiên-Huế và Bình định. Thực tế cho thấy, ba tỉnh đã có 3 sáng kiến khác nhau để giải quyết “ma trận hàng trăm miếng ghép” của các thủ tục hành chính trong việc thực hiện các dự án đầu tư.

Cụ thể, Bắc Ninh đã cải cách chuyển đổi từ 20 thủ tục đầu mối xuống còn 7, Thừa Thiên-Huế chuyển đổi thủ tục hành chính với tham vọng thành một mã số hồ sơ cho các sở, ban, ngành dùng chung trong cùng một hệ thống thông tin. Bình Định thực hiện cho kết nối các thủ tục hành chính bằng cho phép thực hiện song song, chia trường hợp có địa điểm và chưa có địa điểm kinh doanh với các thủ tục riêng được thực hiện theo 5 bước.

“Sự khác biệt giữa các tỉnh, khiến cho nhà đầu tư không thể áp dụng kinh nghiệm từ quá trình đầu tư ở tỉnh này sang tỉnh khác. Hầu như không một cơ quan nào nắm toàn bộ hoạt động đầu tư nào của một dự án, chủ yếu là do chưa có sự phối hợp thông tin… Chính sự cắt khúc thông tin đã khiến cơ quan quản lý nhà nước không kiểm soát được hiệu quả của hoạt động đầu tư, mà dẫn chứng là hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài làm ăn thua lỗ đã bỏ trốn trong thời gian qua,” ông Tuấn nói.

Cần xây dựng quy trình thống nhất


Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), môi trường đầu tư của Việt Nam đang giảm thứ hạng cạnh tranh ngay trong khu vực. Để tăng cường năng lực cạch tranh thì việc sửa đổi luật đầu tư và các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư là hết sức cần thiết, đảm bảo cho Việt Nam có hệ thống văn bản pháp luật, minh bạch, thuận lợi, thống nhất và chuẩn hóa về thủ tục đầu tư trong cả nước.

[Sẽ hình thành bộ thủ tục đầu tư thống nhất cả nước]

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, “ thách thứ của quá trình cải cách nhìn thấy rõ trong thời gian qua, chúng to nói mạnh nhưng làm chưa tới ‘bến’. Nhiều năm trước chúng ta mới ‘đột’ mà không ‘phá’, cần  phải hiểu kết quả như thế nào mới thực sự là đột phá, phải là một sự cải cách nhanh, quy mô lớn, tạo ra được sự thay đổi về chất và những thay đổi đó phải nhìn được một cách rõ ràng.”

Vì vậy, ông Cung cho rằng cần thiết lập một quy trình hợp lý từ chấp nhận chủ trương đầu tư cho đến kết thúc là giấy phép xây dựng, kết hợp đồng bộ giữa 3 bên là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng; xác định tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, phân tích yêu cầu từ quản lý nhà nước, yêu cầu sản xuất kinh doanh để sắp xếp quy trình cụ thể để sắp xếp hồ sơ, tiếp tục xác định xác định hồ sơ, thủ tục, nội dung của các loại hồ sơ để chuẩn hóa, tránh tình trạng nhiều tên gọi khác nhau mà thực chất chỉ là loại hồ sơ.

Bên cách đó, ông Cung cũng khuyến nghị cách thức thực hiện như các thủ tục độc lập thì có thể cho phép thực hiện song song cùng thời điểm. Với các thủ tục được giải quyết ở thời điểm khác nhau của các nhóm cơ quan quản lý khác nhau, thì có thể thụ lý kết hợp như tổ chức một cuộc họp hội đồng, như thế sẽ cho phép thực hiện cùng một lúc các thủ tục có liên quan với nhau.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, đại diện nhóm Công tác tổ công tác liên ngành, ông Nguyễn Hùng Huế, Phó trưởng phòng Kiểm soát Thủ tục hành chính, Khối kinh tế ngành, Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính cho biết, để cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy thu hút đầu tư, mục tiêu cải cách thủ tục hành chính sẽ được cụ thể hóa, thời gian thực hiện thủ tục hành chính sẽ được giảm tối đa từ 155–865 (hiện nay) xuống còn 80 – 385 ngày đồng thời cắt giảm tối đa chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, tăng khả năng giám sát, kiểm tra cho nhà đầu tư và hạn chế rủi ro, tăng hiệu quả dự án đầu tư ./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục