Bão số 8 và mưa lũ: 3 người chết, 13 người mất tích

Bão số 8 và mưa lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã làm 3 người chết do lũ cuốn trôi, 13 người mất tích, 4 người bị thương.
Ngày 20/9, Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết, theo thống kê sơ bộ, bão số 8 và mưa lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã làm 3 người chết do lũ cuốn trôi tại Quảng Trị và Đắk Lắk; 13 người mất tích ở Nghệ An, Quảng Nam và Đắk Lắk; 4 người bị thương tại Quảng Trị và Quảng Nam.

Ngoài ra còn có gần 5.000 nhà bị đổ, sập, tốc mái và ngập; gần 2.500 ha lúa bị ngập úng, đổ; trên 3.500 ha ngô, sắn và hoa màu bị ngập; số gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi là 1.780 con; 11 cầu, cống nhỏ bị trôi và 12 cầu bị hư hại...

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện nay có một cơn bão rất mạnh đang hoạt động ở phía Đông Đông Bắc đảo Luzon (Philippines) và có tên quốc tế Usagi.

Hồi 13 giờ ngày 20/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 124,6 độ Kinh Đông, cách đảo Luzon khoảng 290km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, cấp 17 (tức là từ 184 đến 221 km một giờ), giật trên cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 13 giờ ngày 21/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,5 độ Vĩ Bắc; 120,2 độ Kinh Đông, cách đảo Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 100km về phía Nam Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, cấp 16 (tức là từ 167 đến 201 km một giờ), giật trên cấp 17.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km. Đến 13 giờ ngày 22/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 22,3 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông, cách Hong Kong (Trung Quốc) khoảng 220 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17. Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km.

Do ảnh hưởng của bão từ sáng sớm ngày mai (21/9), vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc và giữa biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 15, cấp 16, giật trên cấp 17. Biển động dữ dội.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió tây nam hoạt động mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động.

Cũng theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, lũ các sông ở Nghệ An, Hà Tĩnh tiếp tục lên, các sông ở Quảng Bình xuống chậm. Đến chiều tối nay (20/9), lũ thượng nguồn sông La sẽ đạt đỉnh, đỉnh lũ tại Hòa Duyệt ở mức 8,5m dưới báo động 2: 0,5m. Đến sáng mai (21/9), mực nước sông La, sông Cả tiếp tục lên, các sông ở Quảng Bình xuống mức báo động 1.

Mực nước lúc 7giờ ngày 21/9 trên sông Cả tại Nam Đàn khả năng ở mức 6,1m, trên báo động 1: 0,7m; trên sông La tại Linh Cảm ở mức 4,3m, dưới báo động: 0,2m. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi, ngập úng vùng trũng, đồng bằng các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình.

Tại Nghệ An, đến 15 giờ ngày 20/9, việc tìm kiếm 5 người bị mất tích do lũ cuốn trôi tại xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) đang được các ngành chức năng và huyện Nghĩa Đàn, xã Nghĩa Hồng triển khai tích cực. Tuy nhiên, việc tìm kiếm vẫn rất khó khăn, chưa phát hiện bất cứ dấu tích nào của các nạn nhân và chiếc ôtô bị lũ cuốn trôi.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác tìm kiếm các nạn nhân, yêu cầu các ngành và địa phương liên quan bổ sung thêm thợ lặn chi viện, phục vụ công tác tìm kiếm nạn nhân.

Bộ chỉ huy quân sự và Công an Nghệ An huy động lực lượng, phương tiện phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân huyện Nghĩa Đàn tích cực tham gia tìm kiếm những người bị mất tích. Theo yêu cầu của tỉnh Nghệ An, Quân khu 4 cũng đã tổ chức đưa máy dò của lực lượng công binh tham gia tìm kiếm các nạn nhân.

Chiều 20/9, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An chính thức cho biết, chiếc xe ô tô bị lũ cuốn trôi có biển kiểm soát 37A-090.31, do ông Trương Văn Thái (sinh năm 1954, trú tại khối Tân Tiến, phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa) điều khiển, trên xe có 7 người. Lúc xảy ra lũ quét tại khu vực cầu tràn Khe Ang, xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn chỉ có 2 người là ông Trương Văn Thái và ông Trần Văn Ngọ thoát ra được, còn 5 người khác trên xe bị nước cuốn trôi cùng xe./.

Thanh Tuấn-Nguyễn Văn Nhật (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục