Làng nghề xứ Đông với sự phát triển Thăng Long

Những nghệ nhân tài hoa xứ Đông (Hải Dương) đã tập hợp về đất Kinh Kỳ, tạo nên sự phong phú của các sản phẩm thủ công truyền thống.
Từ xưa, Thăng Long-Kẻ Chợ là điểm hội tụ những người thợ thủ công tài năng của cả nước. Trong dòng chảy đó, những nghệ nhân tài hoa xứ Đông (Hải Dương) cũng đã tập hợp về đất Kinh Kỳ, tạo nên sự phong phú đa dạng của các sản phẩm thủ công truyền thống, đóng góp một phần trong sự phát triển của Thăng Long-Hà Nội.

Đã bao đời nay, làng nghề thủ công truyền thống ở tỉnh Hải Dương có mối quan hệ mật thiết với kinh tế của kinh thành Thăng Long như nghề nhuộm Đan Loan (huyện Bình Giang), thợ giày làng Trúc Lâm (huyện Tứ Kỳ), vàng bạc Châu Khê (huyện Bình Giang), thợ khắc chữ Liễu Chàng (huyện Gia Lộc).

Theo sử sách, ông tổ của làng nghề da là Nguyễn Thời Trung, quê ở làng Trúc Lâm, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, làm quan dưới triều nhà Mạc. Trong một lần đi sứ sang Trung Quốc, ông đã bí mật học được nghề thuộc da và đóng giày ở Hàng Châu đem về truyền dạy cho dân làng Trúc Lâm.

Thế kỷ XVII, các thợ giày ở các làng Trúc Lâm, Phong Lâm và Văn Lâm (huyện Tứ Kỳ) đã mang kỹ thuật đó lên hành nghề tại Thăng Long, rồi cư trú tại các phố Hàng Hành, Hàng Giày.

Họ thuộc da ngay tại nơi ở và kéo dài đến tận khu phía Bắc của Hồ Hoàn Kiếm. Hiện nay, rất nhiều người thợ giày da ở các phố Hàng Giày, Tạ Hiện, ngõ Hài Tượng có quê gốc Hải Dương.

Còn nghề thủ công vàng bạc Châu Khê (xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang) xuất phát từ nghề đúc bạc nén dưới triều vua Lê Thánh Tông (thế kỷ XV), do Thượng thư Bộ lại Lưu Xuân Tín, một người làng dẫn dắt.

Thời đó, Thượng thư Lưu Xuân Tín đã dành đặc ân cho dân làng Châu Khê lên Thăng Long lập xưởng đúc bạc, từ đây có nghề vàng bạc Châu Khê (Hải Dương) và phố Hàng Bạc (Hà Nội).

Ðến đầu thế kỷ XIX, triều Nguyễn dời đô vào Huế, nghề đúc bạc nén chuyển vào theo. Nhưng phần lớn thợ Châu Khê vẫn ở lại Thăng Long (Hà Nội) làm nghề kim hoàn. Họ tập trung thành phường và xây dựng nên phố Hàng Bạc.

Vào đầu thế kỷ XVII những người thợ nhuộm tài giỏi của làng Đan Loan (làng Đọc), xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang đã di cư ra Thăng Long, với 4 dòng họ nổi tiếng là Lê, Phạm, Vũ, Đào.

Những người thợ Đan Loan là những người đầu tiên lập nên phường hội, làng nghề ở Thăng Long. Tại đây họ mở chợ nhuộm và dựng đình thờ Thành hoàng làng.

Tại ngôi nhà số 90A phố Hàng Đào hiện nay còn di tích về ngôi đình của dân làng Đan Loan xây dựng. Nơi đây vẫn còn bàn thờ và chuông đồng có ghi 4 chữ: Hoa-Lộc- Đan-Loan.

Là trung tâm văn hóa của cả nước, nghề khắc ván in sách của Thăng Long-Hà Nội đã phát triển mạnh mẽ. Thợ khắc chữ ở Kinh Kỳ phần lớn có quê gốc ở các làng Liễu Chàng (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Giống như các nghề khác những người thợ khắc chữ tổ chức thành phường và thờ ông tổ nghề là Lương Như Hộc, quê ở Liễu Chàng.

Các phường thợ khắc Hải Dương di cư ra Thăng Long vào khoảng thế kỷ XVII cư trú ở phường Cổ Vũ (nay là phố Hàng Gai). Tuy nhiên, một bộ phận khác vẫn sinh sống tại làng quê và chỉ ra Thăng Long nhận hàng về khắc thuê. Thông thường, thợ khắc là nam giới, thợ in là nữ giới. Các thợ khắc và in không mở cửa hàng riêng mà in thuê cho các hiệu sách...

Ngày nay, tại khu phố cổ Hà Nội còn tập trung một số di tích thờ các vị tổ nghề có gốc gác từ Hải Dương như: “Châu Khê vọng cổ sở từ”, thờ vị tổ của nghề làm kim hoàn Lưu Xuân Tín; đình Hài Tượng thờ tiến sĩ Nguyễn Thời Trung - ông tổ nghề da...

Như vậy, trong chuỗi phát triển của vùng đất hội tụ tinh hoa văn hóa Thăng Long-Hà Nội, đã có sự gắn bó, đóng góp từ bàn tay, khối óc của những người thợ, làng nghề ở xứ Đông-Hải Dương./.

Trần Tiến Duẩn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục