Bulgaria: Khủng hoảng chính trị có nguy cơ kéo dài

Khủng hoảng chính trị ở Bulgaria bộc lộ dấu hiệu trầm trọng hơn khi liên minh triển vọng nhất cũng không giành đủ số ghế tối thiểu.
Ngày 15/5, khủng hoảng chính trị ở Bulgaria bộc lộ dấu hiệu trầm trọng hơn khi liên minh triển vọng nhất cũng không giành đủ đa số ghế tối thiểu cần thiết trong Quốc hội để thành lập chính phủ mới sau cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn trước đó ba ngày.

Theo kết quả cuối cùng do Ủy ban bầu cử trung ương công bố, đảng Công dân Bulgaria vì sự phát triển châu Âu (GERB) theo đường lối bảo thủ của cựu Thủ tướng Boyko Borisov dẫn đầu với 30,74% phiếu bầu.

Trong khi đó, đảng Bulgaria theo đường lối xã hội chủ nghĩa (BSP) về nhì với 27,06%, tiếp đến là đảng MRF của người gốc Thổ Nhĩ Kỳ (10,46%) và đảng Ataka theo đường lối dân tộc (7,40%).

Tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt 51%, mức thấp nhất kể từ năm 1989.

Với tỷ lệ phiếu bầu trên, GERB giành 97 ghế trong Quốc hội 240 thành viên. Các nhà quan sát nhận định GERB ít có cơ hội điều hành đất nước do các đảng khác như BSP và MRK đã tuyên bố "tẩy chay" đảng cầm quyền khóa trước này.

Cho dù đảng Ataka thay đổi quan điểm mới đây phản đối đồng minh truyền thống GERB thì liên minh triển vọng nhất giữa những người theo đường lối bảo thủ và những người theo đường lối dân tộc vẫn thiếu một ghế mới đạt "ngưỡng" tối thiểu 121 ghế để thành lập chính phủ có thể đứng vững được.

Trong khi đó, liên minh giữa BSP và MRK cũng sẽ thiếu một ghế mới giành đủ đa số cần thiết, đồng nghĩa sẽ phải thuyết phục một nghị sĩ nào đó từ GERB hoặc Ataka hợp tác với họ.

Nhằm tránh nguy cơ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử khác, Tổng thống Bulgaria Rosen Plevneliev kêu gọi các chính đảng sớm thành lập liên minh để cho ra đời một chính phủ ổn định, đồng thời cảnh báo một cuộc tổng tuyển cử mới sẽ gây thiệt hại cho đất nước Bulgaria nhỏ bé và nghèo nàn.

Ông Plevneliev cho biết sẽ tham vấn các chính đảng vào ngày 17/5 tới trên quan điểm Quốc hội khóa mới sẽ họp phiên đầu tiên vào cuối tháng này.

Bulgaria rơi vào khủng hoảng chính trị từ ngày 20/2 vừa qua, sau khi Chính phủ của ông Borisov từ chức trong bối cảnh nước bị rối loạn bởi các cuộc biểu tình phản đối nghèo đói, vấn nạn tham nhũng và tội phạm gia tăng.

Theo giới quan sát, Bulgaria cần khẩn cấp thành lập chính phủ mới để thương lượng với Liên minh châu Âu về hỗ trợ tài chính, soạn thảo ngân sách 2014 và giải quyết những bất bình trong dân chúng về mức sống thấp và giá năng lượng cao, nhằm tránh nguy cơ đối mặt với làn sóng biểu tình mới./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục