Viện trợ từ nước ngoài dồn dập đổ về Pakistan

Các khoản viện trợ nước ngoài bắt đầu đổ dồn về Pakistan nhằm trợ giúp người dân đang bị ảnh hưởng bởi các trận lũ lụt tồi tệ.
Các khoản viện trợ nước ngoài bắt đầu đổ dồn về Pakistan với nỗ lực giúp đỡ khoảng 20 triệu người dân đang bị ảnh hưởng bởi các trận lũ lụt tồi tệ nhất trong vòng 80 năm qua ở quốc gia Nam Á này.

Đại sứ Pakistan tại cơ quan Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ), ông Zamir Akram cho biết Pakistan đã nhận được các khoản viện trợ trực tiếp và thông qua Liên hợp quốc có tổng trị giá lên tới hơn 301 triệu USD.

Hưởng ứng lời kêu gọi viện trợ cho Pakistan, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đồng ý cho Islamabad vay 900 triệu USD để khắc phục hậu quả sau trận lụt lịch sử vừa qua. WB cho rằng tác động của thiên tai đối với nền kinh tế Pakistan là rất lớn và phải mất nhiều năm mới có thể tái thiết lại đất nước.

Liên minh châu Âu (EU) cũng thông báo sẽ cung cấp khoản viện trợ bổ sung trị giá 39 triệu USD, nâng tổng số viện trợ của khối này cho Pakistan lên hơn 90 triệu USD. Từ Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố mức viện trợ của nước này cho Pakistan khắc phục hậu quả lũ lụt lên tới 90 triệu USD.

Ngày 18/8, Pháp cũng đã điều một máy bay chở 700 tấn hàng cứu trợ tới Pakistan, trong đó gồm các trang thiết bị y tế, thực phẩm và các vật dụng cần thiết khác nhằm hỗ trợ kịp thời những người bị mất nhà cửa trong đợt thiên tai vừa qua.

Giám đốc khu vực của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), ông Daniel Toole cho biết hiện mỗi ngày Pakistan cần có 2 triệu USD để cung cấp nước sạch cho người dân và điều này không thể trì hoãn được.

Đề cập đến việc khắc phục hậu quả sau thiên tai, Đại sứ Pakistan tại cơ quan Liên hợp quốc ở Geneva, ông Akram cho biết chỉ tính riêng khoản tiền để tái thiết các khu vực ở miền Bắc, vùng bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ lụt vừa qua, đã tiêu tốn khoảng 2,55 tỷ USD.

Con số trên chưa kể thiệt hại về người. Theo Bộ trưởng Thông tin Pakistan, chính phủ đang rất lo ngại về số phận của khoảng nửa triệu phụ nữ mang thai sắp đến kỳ sinh nở, trong khi các bệnh viện hoặc cơ sở y tế đều thiếu trang thiết bị.

Trong khi đó, theo số liệu cập nhật ngày 18/8 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 20 triệu người bị ảnh hưởng bởi thảm họa thiên tai tàn phá Pakistan, trong đó có gần 1.500 người chết, hơn 2.000 người bị thương và gần 1 triệu ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn.

Tuy nhiên, đại diện của WHO tại Islamabad nói rằng những con số này trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều do hiện tại, các cơ quan chức năng mới bắt đầu tiến hành đánh giá thiệt hại khi nước lũ đang rút dần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục