Anh: Ngành xây dựng và chế tạo sụt giảm mạnh

Hoạt động ngành xây dựng và chế tạo đều giảm sút mạnh trong tháng 2 làm dấy lên lo ngại kinh tế Anh sẽ tăng trưởng âm quý đầu tiên.
Số liệu khảo sát vừa được công bố cho thấy hoạt động của hai ngành kinh tế chính của Anh là xây dựng và chế tạo đều giảm sút khá mạnh trong tháng 2/2013.

Điều này làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế của "đảo quốc sương mù" sẽ tăng trưởng âm trong quý đầu tiên của năm nay, khi đó Anh sẽ rơi vào suy thoái lần thứ ba chỉ trong vòng 4 năm trở lại đây.

Chỉ số quản lý sức mua (PMI) Markit/CIPS của ngành xây dựng, hiện đóng góp 7% GDP, giảm từ mức 48,7 điểm trong tháng 1/2013 xuống 46,8 điểm trong tháng 2/2013 và là mức thấp nhất kể từ tháng 10/2009.

PMI của ngành xây dựng ở dưới ngưỡng 50 điểm có nghĩa là hoạt động của ngành xây dựng sụt giảm.

Ông Tim Moore, chuyên gia kinh tế của Markit, cho biết PMI của ngành xây dựng giảm mạnh chủ yếu do hoạt động xây dựng thương mại và dân dụng giảm sút. Theo ông, số lượng các đơn đặt hàng mới cũng giảm tháng thứ hai liên tiếp, báo hiệu kết quả hoạt động yếu kém của ngành xây dựng trong những tháng tới đây mặc dù niềm tin vào hoạt động trong tương lai đang ở mức cao nhất kể từ tháng 4/2012.

Trong khi đó, hoạt động của ngành chế tạo, đóng góp 10,5% GDP của Anh, cũng sụt giảm mạnh trong tháng 2/2013, với PMI giảm từ 50,5 điểm trong tháng 1/2013 xuống 47,9 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2012 và thấp hơn nhiều so với dự báo của các nhà phân tích.

Nhà kinh tế trưởng của Markit, Chris Williamson, cho rằng ngành chế tạo lại sụt giảm là một điều ngạc nhiên lớn và sẽ làm tiêu tan hy vọng rằng kinh tế Anh có thể tăng trưởng trở lại trong quý I/2013 và tránh được cuộc suy thoái lần thứ ba.

Theo dự kiến, PMI của ngành dịch vụ, đóng góp tới 75% GDP, sẽ được công bố trong một hai ngày tới.

Các nhà phân tích cho rằng nếu PMI của ngành dịch vụ cũng gây thất vọng thì nhiều khả năng Ủy ban Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng trung ương Anh (BoE) sẽ bỏ phiếu thông qua gói kích thích kinh tế bổ sung trị giá 25 tỷ bảng (40 tỷ USD) tại cuộc họp diễn ra vào ngày 7/3, nâng tổng số tiền mà BoE đã bơm vào nền kinh tế thông qua việc mua lại trái phiếu chính phủ lên tới 400 tỷ bảng (640 tỷ USD).

Ngoài ra, các nhà phân tích cũng nhận định BoE sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 0,5% được duy trì từ tháng 3/2009 đến nay, trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát ở nước này đang ở mức 2,7%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà ngân hàng này đã đặt ra. BoE dự báo tỷ lệ lạm phát vẫn sẽ cao hơn mức 2% trong vòng hai năm tới./.

Huy Hiệp (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục