Khó có giải pháp toàn diện duy nhất cho nợ công

Thủ tướng Đức tỏ ý hoài nghi khả năng đạt được giải pháp triệt để cho cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp tại hội nghị EU tới đây.
Ngày 19/7, Thủ tướng Đức Angela Merkel tỏ ý hoài nghi khả năng đạt được giải pháp triệt để cho cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tới đây.

Trong khi  đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kêu gọi lãnh đạo EU hành động khẩn cấp nhằm ngăn chặn nguy cơ tan vỡ của Khu vực đồng euro bắt nguồn từ khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp, có thể hủy hoại nền kinh tế toàn cầu.

Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tại thành phố Hannover, Đức, bà Merkel nêu rõ đối với những người suy nghĩ có trách nhiệm về vấn đề nợ công trong Khu vực đồng euro, một giải pháp toàn diện duy nhất cho cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp và những khó khăn tài chính trong khu vực là điều không thể xảy ra, ngay cả trong hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra vào ngày 21/7 tới. Những người đề xuất tìm kiếm giải pháp nhanh chóng cho vấn đề này hoặc đã thiếu thận trọng, hoặc đã mất kiên nhẫn.

Bà cũng tỏ ý nghi ngờ các ý tưởng như cơ cấu lại nợ cho Hy Lạp, phát hành trái phiếu Khu vực đồng euro, hay thành lập liên minh chuyển tiếp tiến tới một châu Âu liên bang.

Bà Merkel nhấn mạnh giải quyết vấn đề nợ công trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu là một "trách nhiệm lịch sử," vì châu Âu không thể tồn tại mà không có đồng euro, hiện đang được hơn 30 triệu người ở 17/27 nước thành viên EU sử dụng. Thay vì đưa ra giải pháp nhanh chóng, các nước Khu vực đồng euro cần một loạt bước đi và biện pháp liên tục có thể kiểm soát và quản lý được để giải quyết tận gốc vấn đề là giảm nợ cho Hy Lạp và nâng cao năng lực cạnh tranh của nước này.

Trước đó, bà Merkel đã thống nhất quan điểm với Tổng thống Mỹ Barak Obama trong cuộc điện đàm cùng ngày rằng giải quyết hiệu quả vấn đề nợ công trong Khu vực đồng euro là yếu tố quan trọng đảm bảo sự phục hồi kinh tế cho châu Âu nói riêng và cho thế giới nói chung.

Là một trong 3 thể chế tham gia gói cứu trợ cho Hy Lạp, bao gồm Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), IMF cho rằng các nhà lãnh đạo EU cần hành động nhanh chóng, tránh để "bệnh" nợ công ở Hy Lạp lây lan, hủy hoại nền kinh tế khu vực và thế giới.

Theo IMF, sự lây lan khó khăn kinh tế ở các nền kinh tế yếu kém nhất, đặc biệt là Hy Lạp, có thể gây ra những hậu quả ngoài dự đoán đối với các nền kinh tế nòng cốt trong khu vực, chủ yếu là Pháp và Đức. Định chế cho vay lớn nhất thế giới này cho rằng EU cần xác định rõ hơn vai trò của khu vực tư nhân trong các kế hoạch cứu trợ vỡ nợ, và bất kỳ sự chậm trễ nào trong vấn đề này đều có thể gây thiệt hại nặng nề cho Khu vực đồng euro và nền kinh tế toàn cầu.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bay sang Đức trong ngày 20/7 trong nỗ lực vào phút chót nhằm đảm bảo đạt sự đồng thuận về gói cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp tại hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới. Đức và Pháp đang bất đồng về một số chi tiết liên quan gói cứu trợ này.

Trong bài diễn văn cùng ngày trước Viện các vấn đề quốc tế Ba Lan, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, Ngoại trưởng Hy Lạp Stavros Lambrinidis cho rằng hai giá trị cốt lõi của EU là trách nhiệm và đoàn kết đang bị đe dọa. Ông nhấn mạnh nhiều nước EU đang thu mình vào vỏ bọc, không quan tâm đến tương lai trung và dài hạn của tổ chức này.

Ông cũng khẳng định giờ đây không phải là lúc cân nhắc việc trừng phạt Hy Lạp, mà phải nghĩ cách cứu "mái nhà chung châu Âu."

Những nhận xét của ông Lambrinidis được xem là động thái nhằm thuyết phục các nước Khu vực đồng euro đi đến thỏa thuận về gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp tại cuộc họp thượng đỉnh EU sắp tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục