Các dự án hạ tầng ở ASEAN đủ hấp dẫn nhà đầu tư?

Sau nhiều năm chi tiêu quá ít cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng, Chính phủ các nước Đông Nam Á bắt đầu chủ trương tăng mạnh chi ngân sách cho cơ sở hạ tầng nhằm nâng cấp hệ thống vận tải và cung cấp năng lượng. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, việc thiếu những dự án hứa hẹn lợi nhuận hấp dẫn cộng thêm những thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp và các quy định còn thiếu nhất quán có thể làm giảm sức hấp dẫn của các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn của các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan và Philippines.
Dòng vốn cho vay lãi suất thấp cùng với sự háo hức của không ít nhà đầu tư thâm nhập một trong số ít những thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới hiện nay sẽ giúp Đông Nam Á có được số tiền 600 tỷ USD mà (theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á) khu vực này cần để phát triển cơ sở hạ tầng trong thập niên tới.

Sau nhiều năm chi tiêu quá ít cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng, Chính phủ các nước Đông Nam Á bắt đầu chủ trương tăng mạnh chi ngân sách cho cơ sở hạ tầng nhằm nâng cấp hệ thống vận tải và cung cấp năng lượng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, việc thiếu những dự án hứa hẹn lợi nhuận hấp dẫn cộng thêm những thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp và các quy định còn thiếu nhất quán có thể làm giảm sức hấp dẫn của các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn của các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan và Philippines.

Những kế hoạch đầy tham vọng

Nội các Thái Lan tháng vừa qua đã thông kế hoạch vay 68 tỷ USD để xây dựng đường sắt và nhà máy nước vào năm 2020. Trước đó vài ngày, BTS Group Holdings, tập đoàn vận hành hệ thống tàu điện trên cao ở Bangkok, thông báo sẽ huy động 2,1 tỷ USD thông qua việc niêm yết một quỹ phát triển cơ sở hạ tầng trên sàn giao dịch chứng khoán. Đây sẽ là đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất của Thái Lan từ trước tới nay.

Trong khi đó, Indonesia đang tìm kiếm khoản kinh phí khoảng 9 tỷ USD từ các nhà đầu tư châu Âu cho các dự án xây dựng nhà máy nước, đường sá, sân bay và cảng biển.

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này ước tính cần cơ sở hạ tầng mới trị giá tương đương 150 tỷ USD, nhưng Chính phủ chỉ sẵn lòng chi 15% số này.

Cho đến nay, chưa có bên nào nhận lời đầu tư dưới hình thức hợp tác nhà nước - tư nhân (PPP) mà Indonesia đang trông cậy khá nhiều. Jakarta hy vọng thực tế này sẽ thay đổi sau khi nước này hoàn tất việc giới thiệu 16 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại châu Âu trong năm nay.

Sau chuyến đi Paris để gặp các nhà đầu tư tiềm năng, Chatib Basri, người đứng đầu Ủy ban đầu tư của Indonesia, cho biết dự án xây dựng nhà máy nước và xử lý rác thải ở đảo Java, đảo đông dân nhất của của Indonesia, có thể thu hút sự quan tâm của công ty tư nhân cung cấp nước sạch lớn nhất thế giới Veolia Environment (Pháp) và tập đoàn công nghiệp Siemens (Đức).

Tại đất nước “vạn đảo” (hơn 17.000 hòn đảo), mạng lưới giao thông không được phát triển hoàn chỉnh cũng đồng nghĩa với việc chi phí hậu cần tăng cao.

Bert Hofman, nhà kinh tế chủ chốt của Ngân hàng Thế giới về khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cho rằng hiện có rất nhiều tiền “trôi nổi” đâu đó, nhưng số tiền này đang tìm những “bến đỗ” có thể mang lại những khoản lợi nhuận hấp dẫn.

Có thể tận dụng được lợi thế nguồn vốn vay chi phí thấp?

Sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu là một trong những nhân tố thúc ép các Chính phủ phải cải thiện tình hình giao thông vốn đang được ví như những cơn “ác mộng” ở các thành phố siêu lớn, như Jakarta và Manila, trong khi các đơn đặt hàng máy bay số lượng lớn của hai hãng hàng không giá rẻ AirAsia và Lion Air là các minh chứng cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành hàng không trong khu vực.

Cũng như Indonesia, Philippines đã thông qua các đạo luật để cải thiện sự hợp tác với khu vực tư nhân. Tuy nhiên, việc thu hút các nguồn vốn tư nhân vẫn khó khăn. Theo thống kê của Thomson Reuters, số tiền cho vay dành cho các dự án ở Đông Nam Á trong năm 2012 đã giảm 6,3% xuống 13,5 tỷ USD.

Philippines, vốn bị “dớp” với nhiều kế hoạch cơ sở hạ tầng bị thất bại hoặc trì hoãn, cũng đã chuẩn bị tối thiểu 16 thỏa thuận PPP trị giá trên 4 tỷ USD. Đến thời điểm này, Philippines mới có hai dự án đấu thầu thành công.

Tương tự, Indonesia cũng mới chỉ có hai dự án PPP được thông qua từ năm 2006, gồm dự án xây dựng nhà máy điện chạy than có công suất 2.000 MW và dự án đường cao tốc, bước vào giai đoạn xây dựng.

Johan Bastin, Giám đốc điều hành công ty vốn tư nhân trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng CapAsia có trụ sở tại Singapore, cho hay luật đất đai không “thân thiện” với các nhà đầu tư cùng với những mâu thuẫn thỉnh thoảng nảy sinh giữa các nhà chức trách địa phương và trung ương cũng cũng là lực cản đối với các dự án phát triển cơ sở hạ tầng.

Triển vọng thu hút các nhà đầu tư chưa “sáng”

Giám đốc Bastin cho rằng tỷ suất lợi nhuận hàng năm từ các dự án cơ sở hạ tầng Indonesia và Philippines thường thấp hơn 3-5% so với mức “có thể chấp nhận” được (15-20%). Theo ông, năng lực của các tổ chức đầu tư xét ở cấp độ quản lý địa phương vẫn chưa được phát triển đúng mức, trong khi các cơ chế quản lý, điều tiết hầu như chưa được kiểm chứng.

Việc Chính phủ Indonesia thông qua luật mua bán đất đai mới năm 2012 có thể giúp khởi động kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng nước này, nhưng có điều đạo luật này lại chỉ áp dụng đối với các đầu tư trong tương lai.

hững khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư tư nhân có nghĩa rằng chính phủ các nước trong khu vực cần phải đóng một vai trò lớn hơn. Các nhà kinh tế lưu ý mặc dù chi tiêu cho cơ sở hạ tầng nhà nước ở Đông Nam Á đang tăng lên, nhưng vẫn dưới mức tiềm năng.

Mặc dù mới chi tiêu khoảng 3-3,5% GDP cho cơ sở hạ tầng, song Indonesia dự định tăng khoảng 11% ngân sách dành cho lĩnh vực này trong năm nay. Philippines đang nhắm tới mục tiêu tăng gấp đôi chi ngân sách cho cơ sở hạ tầng so với mức 2,6% GDP hiện nay. Tỷ lệ này vẫn thấp hơn rất nhiều nếu đem so với mức chi khoảng 9% GDP của Trung Quốc.

Tuy nhiên, chính sách trợ giá đang trở thành một nhân tố gây trở ngại cho một số Chính phủ trong việc tăng chi tiêu ngân sách để phát triển cơ sở hạ tầng.

Năm 2012, Indonesia đã chi khoảng 22 tỷ USD cho trợ giá nhiên liệu và triển vọng cải cách chính sách này đang “tối” dần vào thời điểm trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống năm 2014.

Federic Neumann, một trong những người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á của ngân hàng HSBC, khuyến nghị các nước Đông Nam Á phải xem xét lại một cách triệt để các chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng./.

Như Mai (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục