Phó Thủ tướng đặt hạn chót giao mặt bằng Quốc lộ 1A

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chậm nhất đến cuối tháng 6, Phú Yên và Quảng Ngãi phải giao mặt bằng "sạch" cho dự án mở rộng Quốc lộ 1A.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chậm nhất đến 31/5 đối với Phú Yên, 30/6 đối với Quảng Ngãi phải hoàn thành giải phóng 100% mặt bằng cho mở rộng Quốc lộ 1A qua hai tỉnh này, nếu không làm được các đơn vị, địa phương chậm trễ sẽ phải chịu hình thức kỷ luật.

Ngày 15/4, tại Trụ sở Chính phủ, chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, một số bộ, ngành và hai tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi để kiểm điểm tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng và bảo đảm an toàn giao thông phục vụ triển khai các dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 1 đoạn đi qua địa bàn hai tỉnh, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh phải đi sâu, đi sát, kiểm tra, vào cuộc quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

Phó Thủ tướng cho rằng sự chậm trễ của hai tỉnh chắc chắn do sự chỉ đạo chưa sâu sát, đặc biệt là lãnh đạo các huyện nơi có tuyến đường đi qua còn thiếu sự kiểm tra, đôn đốc thường xuyên.

Phó Thủ tướng yêu cầu phải đền bù thỏa đáng, đúng chế độ cho dân, phải tập trung giải phóng nhà dân, vận động nhân dân sớm bàn giao mặt bằng.

Để các hộ dân nhanh chóng di dời và có cuộc sống ổn định, Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương thực hiện bố trí tái định cư xen ghép đến mức tối đa, ứng tiền thuê nhà và hỗ trợ gạo cho dân, không để người dân tái định cư bị thiếu đói.

Một nội dung quan trọng được Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương triển khai gấp rút là xây dựng các khu tái định cư theo hình thức chỉ định thầu, các địa phương phải chọn nhà thầu có đủ năng lực thực hiện các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải cân đối cho vay hỗ trợ các địa phương có khó khăn; nghiên cứu giải pháp mở đường gom, đường vuốt nối dân sinh để tạo điều kiện cho các hộ dân sinh sống, đi lại làm ăn; kiên quyết thu hồi giấy phép thi công với các đơn vị không đủ năng lực, chậm trễ.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án cải tạo mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên cơ bản đã hoàn thành tại nhiều địa phương, chỉ còn lại một số tỉnh chậm trễ do chưa thể thực hiện tái định cư cho các hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng, đặc biệt là 2 tỉnh Quảng Ngãi và Phú Yên. Tính đến 14/4, tỉnh Quảng Ngãi thu hồi mặt bằng được 62,94 km trong tổng số 81,73 km, đạt 77% và chưa bố trí tái định cư được cho hộ nào trong số 488 hộ phải tái định cư tập trung. Dự kiến đến hết tháng 6/2014 tỉnh mới hoàn thành xây dựng 17 khu tái định cư tập trung để bố trí cho các hộ dân. Tỉnh Phú Yên hiện mới giải phóng mặt bằng được 64,46 km trong số 86,54 km, đạt 74,49%, bố trí tái định cư tập trung được 7 hộ trong số 1.011 hộ và tỉnh cũng chỉ mới triển khai thi công được 5/16 khu tái định cư tập trung. Do sắp bước vào mùa mưa, thời gian thực tế thi công là rất ít, nếu các tỉnh không thực sự vào cuộc sẽ khó có mặt bằng để triển khai và đảm bảo thi công đúng tiến độ.

Vướng mắc lớn nhất được lãnh đạo hai tỉnh Phú Yên và Quảng Ngãi đưa ra là kinh phí để xây dựng các khu tái định cư tập trung. Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Đào Tấn Lộc khẳng định, trên toàn tuyến Quốc lộ 1, không có đoạn đường nào phức tạp, đèo dốc nhiều như ở Phú Yên. Ngoài hơn 1.000 hộ phải tái định cư, tỉnh còn có 210 hộ đang ở cheo leo bên taluy dương rất muốn di dời để giao mặt bằng cho Dự án nhưng do chưa có chỗ tái định cư nên họ buộc phải “bám trụ” ở nơi mất an toàn này. Những nơi đã xây dựng được khu tái định cư hoặc có mặt bằng xen ghép, tỉnh đều đã bố trí hết. Để có được mặt bằng, Phú Yên đã đưa ra chính sách hỗ trợ 6 tháng tiền thuê nhà, 3 tháng tiền chưa làm được khu tái định cư, thưởng thêm mỗi hộ 5 triệu đồng trước khi chuyển đi, nhưng người dân vận dụng chính sách “muốn di dời phải có khu tái định cư ổn định ít nhất bằng hoặc hơn nơi ở cũ,” nên không chấp thuận.

Muốn xây dựng được toàn bộ các khu tái định cư, Phú Yên cần đến 330 tỷ đồng, song, nguồn lực của tỉnh chỉ đủ để đầu tư từ một đến hai khu. Tỉnh đề nghị Chính phủ hỗ trợ 50% kinh phí để di dời dân và xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư.

Cũng giống như Phú Yên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa cho biết tỉnh này đang rất khó khăn trong huy động nguồn kinh phí xây dựng 17 khu tái định cư. Tỉnh đã ứng 100 tỷ đồng và còn thiếu 252 tỷ đồng nhưng khả năng cân đối ngân sách rất khó, cần được sự hỗ trợ của Chính phủ.

Dẫu chưa biết lấy nguồn từ đâu để hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư tập trung, song lãnh đạo hai tỉnh trên cam kết sẽ huy động mọi nguồn lực, vận động nhân dân di dời, Phú Yên hoàn thành bàn giao mặt bằng vào 31/5 và Quảng Ngãi vào 30/6.

Tại cuộc họp, đại diện Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) đều cho rằng tiến độ di dời công trình hạ tầng kỹ thuật chậm là do chưa có mặt bằng để đặt cột, chưa được cấp giấy phép thi công; đồng thời khẳng định có mặt bằng đến đâu sẽ bám di chuyển đến đó.

Đại diện Viettel cho biết sẽ làm việc với ban giải phóng mặt bằng của địa phương, nếu có thể sẽ trồng một số cột trước, không cần chờ giải phóng mặt bằng. /.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục