Bạo lực sắc tộc đang nguy cơ bùng phát ở Lebanon

Quân đội Lebanon đã triển khai ở một số khu vực tại Beirut trong bối cảnh bạo lực sắc tộc có nguy cơ bùng phát.
Ngày 22/10, quân đội Lebanon đã triển khai ở một số khu vực người Sunni tại thủ đô Beirut trong bối cảnh bạo lực sắc tộc có nguy cơ bùng phát, làm dấy lên những lo ngại về an ninh trật tự tại quốc gia này sau vụ đánh bom sát hại Giám đốc tình báo an ninh Wissam al-Hassan.

Sau khi tuyên bố quyết tâm khôi phục an ninh trật tự, quân đội Lebanon nhanh chóng có những động thái điều động ở Beirut. Các xe chở binh sỹ tiến vào quận Tariq Jdideh của người Sunni ở phía Tây thủ đô, nơi đã là một điểm nóng kể từ sau vụ đánh bom nghiêm trọng ngày 19/10. Binh sỹ đóng ở các vị trí trên đường phố dẫn tới quận này để bảo đảm tình trạng thông suốt.

[Lebanon: Người biểu tình tấn công trụ sở chính phủ]

Tariq Jdideh đã chứng kiến những đụng độ trong ngày, khi quân đội truy quét các phần tử vũ trang và người ta nghe thấy tiếng súng tự động cũng như rốckét chống tăng. Quận này là nơi tập trung đông đảo lực lượng ủng hộ thủ lĩnh phe đối lập Saad Hariri, những người đã phong tỏa Tariq Jdideh bất chấp kêu gọi rút khỏi đường phố của ông Hariri.

Tại thành phố miền Bắc Tripoli, nơi tập trung đông người Sunni phản đối Tổng thống Syria Bashar al-Assad, xô xát đã xảy ra nghiêm trọng giữa người Sunni và người Alawite, nhánh của người Hồi giáo Shiite mà ông Assad trực thuộc.

Theo các nguồn tin an ninh Lebanon, đã có ít nhất 7 người thiệt mạng và 12 người bị thương trong các vụ bạo lực này. Đụng độ giữa hai cộng đồng sắc tộc trên ở Tripoli diễn ra khá thường xuyên khi xung đột lan từ cuộc khủng hoảng ở Syria sang khu vực này của Lebanon.

Sau vụ đánh bom sát hại Giám đốc tình báo an ninh al-Hassan mà nhiều nhân vật đối lập ở Lebanon cho rằng Syria đứng đằng sau, căng thẳng tại Tripoli càng gia tăng.

Lebanon là một quốc gia đa sắc tộc, tôn giáo với người dòng Thiên Chúa, Shiite và Sunni mỗi cộng đồng chiếm khoảng 1/3 dân số. Chính trường phức tạp, song có một thỏa thuận "không thành văn," theo đó tổng thống là người Thiên Chúa Maronite, thủ tướng là người Sunni trong khi chủ tịch quốc hội là người Shiite.

Người Sunni ở Lebanon đang tức giận sau vụ ông al-Hassan, cũng là người Sunni, bị sát hại. Đây là nhân vật từng phụ trách điều tra vụ ám sát cựu Thủ tướng Lebanon Rafig Hariri, người thiệt mạng trong một vụ đánh bom ở Beirut cách đây 7 năm mà có nhiều cáo buộc rằng Syria cũng đứng đằng sau vụ này.

Theo đánh giá, Giám đốc tình báo an ninh al-Hassan là người chống đối mạnh mẽ Tổng thống Syria al-Assad cũng như đồng minh lớn của Tổng thống này ở Lebanon là phong trào Hồi giáo Hezbollah của người Shiite.

Ngày 22/10, đám tang ông al-Hassan tổ chức ở Beirut đã biến thành dịp để người Sunni biểu tình phản đối chính quyền Thủ tướng Najib Mikati, kêu gọi ông này từ chức.

Căng thẳng sắc tộc không phải là vấn đề mới tại Lebanon. Năm 2008, đụng độ giữa các phần tử vũ trang người Sunni và Shiite tại Beirut đã đẩy quốc gia này đến bên bờ vực một cuộc nội chiến. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đẫm máu ở Syria đã kéo dài hơn 1 năm rưỡi, ngày càng có nhiều lo ngại ngọn lửa bạo lực này sẽ lan sang Lebanon, quốc gia vẫn chịu nhiều tác động chính trị từ Damascus.

Trong một động thái khác, ngày 22/10, Mỹ cho biết sẽ cử một nhóm nhân viên thuộc lực lượng Cục Điều tra Liên bang (FBI) tới Lebanon giúp hỗ trợ điều tra vụ đánh bom làm ông al-Hassan thiệt mạng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục