Bảo tồn giá trị văn hóa Tây Nguyên gắn với cộng đồng

Các chuyên gia văn hóa cho rằng việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Tây Nguyên phải gắn với phát triển sinh kế của người dân.
Cuộc tọa đàm "Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo và đa dạng của Tây Nguyên" đã diễn ra ngày 29/8 tại Hà Nội, với sự tham dự của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa và nghệ nhân năm tỉnh Tây Nguyên: Gia Lai, Kom Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.

[Khai mạc những ngày văn hóa Tây Nguyên ở Hà Nội]

Phát biểu đề dẫn tại cuộc tọa đàm, phó giáo sư, tiến sỹ Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh việc bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp của Tây Nguyên phải coi trọng nguyên tắc đa dạng. Trong đó các loại hình, hình thái biểu hiện văn hóa của các tộc người, các nghệ nhân, vùng văn hóa đều cần được nhận diện, kiểm kê, đánh giá hiện trạng và tìm các hướng bảo tồn thích hợp.

Ông Quang cho rằng, việc bảo tồn, phát huy phải đảm bảo hài hòa các yếu tố truyền thống, hiện đại, dân tộc, quốc tế và tránh coi văn hóa các tộc người là một thực thể khép kín, không biến đổi. Do đó, cần tiến hành hoạt động kiểm kê di sản theo tinh thần của Luật Di sản trên tinh thần khoa học, có sự tham gia của người dân, đánh giá tổng thể cả 3 loại hình: vật thể, phi vật thể và nghệ nhân trong bối cảnh sinh tồn của di sản đồng thời phát triển các hình thức bảo tồn, chú trọng các hình thức bảo tồn gắn với cộng đồng, với sinh kế của người dân...

Nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên lâu năm, nhạc sỹ Linh Nga Niê Kđăm cũng rất ủng hộ ý kiến bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Tây Nguyên phải gắn với phát triển sinh kế của người dân. Bà đã trực tiếp tham gia vào dự án truyền dạy dệt thổ cẩm và đan lát mây tre truyền thống của người Mơ nông ở Đắk Nông.

Theo bà Linh Nga Niê Kđăm, việc khôi phục và bảo tồn nghề truyền thống cho đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên không thực sự khó khăn vì truyền dạy thì có nhưng để tìm được đầu ra cho sản phẩm, nâng cao đời sống người dân từ chính những sản phẩm như thế không phải chuyện dễ dàng. Dệt thổ cẩm và đan mây tre của người Mơ nông qua dự án này đã được cải tiến hơn, cho ra đời nhiều sản phẩm mới, phù hợp trở thành quà lưu niệm cho khách du lịch, góp phần khắc phục được tình trạng thiếu vắng, nghèo nàn đồ lưu niệm của du lịch Tây Nguyên...

Bên cạnh đó, việc bảo tồn văn hóa Tây Nguyên trong chính không gian sống của bà con các dân tộc cũng đang được các địa phương chú trọng.

Tại Gia Lai, tỉnh đã quan tâm đến việc bảo tồn làng truyền thống-môi trường cần và đủ cho các giá trị văn hóa từ ngàn xưa còn lưu lại, đặc biệt là tạo điều kiện để bảo tồn, phát huy tác dụng kiến trúc nhà rông. Gia Lai cũng đã hoàn thành cuộc điều tra di sản văn hóa này, với số nhà rông hiện có là 576 nhà mặc dù về kiến trúc, phát huy tác dụng của loại hình này vẫn còn phải nghiên cứu để tìm hướng giải quyết thấu đáo.

Tại Kon Tum, tỉnh cũng tiến hành duy trì và khôi phục nhà rông truyền thống vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Đến nay, tổng số nhà rông ở tỉnh là khoảng 530 cái, tổng kinh phí xây dựng nhà rồng trên địa bàn Kon Tum là 20 tỷ đồng, hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa...

Nhắc đến Tây Nguyên là ai cũng biết tới không gian văn hóa cồng chiêng, đặc biệt từ khi di sản này được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Từ nhiều năm qua, việc sưu tầm, truyền dạy nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng cho lớp trẻ ở Tây Nguyên luôn được duy trì. Bên cạnh đó còn có các lớp phổ biến phương pháp chỉnh chiêng, bảo quản cồng chiêng cho bà con trong cộng đồng; tổ chức nhiều cuộc liên hoan cồng chiêng để chủ nhân của di sản phát huy hết giá trị của văn hóa cồng chiêng trong đời sống ngày nay...

Cuộc tọa đàm "Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo và đa dạng của Tây Nguyên" nằm trong khuôn khổ Những ngày văn hóa Tây Nguyên lần thứ 2 diễn ra ở Hà Nội từ ngày 28/8 đến ngày 2/9./.

Thanh Giang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục