Thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt lên điểm

Chứng khoán châu Á đồng loạt lên điểm sau khi các cổ phiếu công nghiệp, công nghệ tăng giá đẩy thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh.
Các thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt lên điểm trong phiên giao dịch ngày 16/6, sau khi các cổ phiếu công nghiệp và công nghệ tăng giá đẩy thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên giao dịch đêm trước, và giới đầu tư gạt sang một bên những lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu sau thành công của các cuộc bán đấu giá nợ của Tây Ban Nha và Ireland.

Các thị trường chứng khoán Hongkong, Thượng Hải và Đài Loan phiên này đều đóng cửa nghỉ lễ, hoạt động giao dịch trong khu vực khá thưa thớt, nhưng cổ phiếu các công ty tài nguyên vẫn nhận được sự hỗ trợ lớn từ việc giá dầu tăng theo sự lạc quan về kinh tế toàn cầu. Chỉ số chứng khoán MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) phiên này tăng thêm 1%.

Thị trường chứng khoán châu Á tăng theo đà đi lên trên thị trường chứng khoán Mỹ đêm trước, với chỉ số Dow Jones tăng 2,1% lên 10.404,77 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 lần đầu tiên trong vòng một tháng đã phá vỡ được ngưỡng trung bình của 200 phiên, khi giới đầu tư phấn chấn trước thành công của các cuộc bán đấu giá nợ tại một số nước thành viên yếu hơn của Eurozone.

Matt Riordan, nhà quản lý danh mục đầu tư của công ty Paradice Investment Management ở Sydney, cho biết xét trên góc độ kỹ thuật, thị trường chứng khoán Mỹ đã thử mức trung bình của 200 phiên và đã phá vỡ được ngưỡng này, cho nên các phiên giao dịch tới hứa hẹn sẽ rất thú vị, nhưng vẫn chưa thể loại trừ những bất ổn bởi rõ ràng là khủng hoảng nợ ở châu Âu vẫn chưa chấm dứt.

Tại thị trường chứng khoán Tokyo, chỉ số Nikkei-225 lần đầu tiên kể từ ngày 20/5 đóng cửa ở trên ngưỡng 10.000 điểm, khi tăng thêm 179,26 điểm (1,81%) lên 10.067,15 điểm, tiếp nối được đà tăng điểm trong phiên trước, sau khi chỉ số này phá được ngưỡng trung bình của 25 phiên.

Masaru Hamasaki, chiến lược gia cao cấp của công ty Toyota Asset Management, cho rằng đợt bán tháo của giới đầu cơ phản ứng trước những thông tin tiêu cực có thể đã chững lại và nhu cầu mua vào đang bắt đầu tăng tốc. Tại thị trường chứng khoán Nhật Bản phiên này, cổ phiếu của các nhà sản xuất hàng điện tử tăng giá mạnh nhất nhờ đồng yên giảm giá, trong đó cổ phiếu của Canon tăng 3,9% và Kyocera tăng 2,5%.

Cùng ngày, chỉ số ASX/S&P 200 của thị trường chứng khoán Sydney tăng 53,5 điểm (1,19%) lên 4.559 điểm, trong khi chỉ số KOSPI của thị trường chứng khoán Seoul tăng 15,30 điểm (0,91%) lên 1.705,33 điểm; còn chỉ số chứng khoán của thị trường chứng khoán Singapore cũng tăng 1,2% lên 2.851,25 điểm.

Keichi Sano, Tổng Giám đốc phụ trách nghiên cứu của công ty chứng khoán SCM Securities ở Tokyo, nhận định giá dầu đang biến động theo những diễn biến trên các thị trường chứng khoán, trong khi các thị trường chứng khoán biến động theo sự lạc quan hay bi quan về đồng euro. Kể từ giữa tháng 5/2010, các thị trường chứng khoán toàn cầu giảm điểm theo đà rớt giá của đồng euro giữa những lo ngại gia tăng về khả năng các nước yếu hơn ở châu Âu, như Hy Lạp, sẽ bị vỡ nợ.

Các nhà đầu tư cũng lo ngại rằng các biện pháp cắt giảm chi tiêu mà các nước như Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha buộc phải triển khai sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế tại châu lục cũng như toàn thế giới. Tuy nhiên, phiên giao dịch ngày 16/6 cho thấy giới đầu tư đã bắt đầu gạt ra ngoài nỗi lo lắng về châu Âu, mà thay vào đó hướng sự chú ý tới những dấu hiệu cho thấy tình hình kinh tế châu Á và Mỹ đang tiếp tục cải thiện. Ngày 14/6, các thị trường chứng khoán đã bị mất đà tăng một phần là do Moody's hạ mức xếp hạng tín dụng của Hy Lạp xuống mức "đáng bỏ đi"./.

Phương Thảo (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục