Indonesia sửa đổi quy định đầu tư vào ngân hàng

Các nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép sở hữu cổ phần đa số (trên 50%) trong các ngân hàng địa phương Indonesia nếu đáp ứng được yêu cầu.
Phó thống đốc Ngân hàng trung ương Indonesia (BI), Muliaman Hadad, vừa cho biết nước này có kế hoạch ban hành quy định sửa đổi về đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng trong tháng Bảy này.

Theo quy định mới, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chỉ được phép sở hữu cổ phần đa số (trên 50%) trong các ngân hàng địa phương của Indonesia nếu đáp ứng được những yêu cầu cụ thể và sự chọn lọc của BI.

Thông báo trên được đưa ra ngay sau khi tập đoàn tài chính DBS của Singapore công bố dự định đầu tư 7 tỷ USD mua cổ phần trong Ngân hàng Danamon lớn thứ sáu của Indonesia.

Quốc hội Indonesia vừa phê chuẩn việc thành lập một cơ quan có quyền hạn đặc biệt thứ hai của quốc gia bên cạnh Cơ quan Chống tham nhũng (KPK) là Cơ quan Dịch vụ tài chính (OJK). Cơ quan này có nhiệm vụ giám sát các ngân hàng, tổ chức tài chính phi ngân hàng và thị trường vốn.

Theo quy định sửa đổi đang được BI soạn thảo, các tổ chức tài chính có thể vẫn được phép nắm giữ cổ phần đa số trong các ngân hàng trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể nắm giữ cổ phần đa số trong các ngân hàng trong nước được BI xếp vào loại có hiệu suất tài chính không đạt tiêu chuẩn. Còn các nhà đầu tư cá nhân sẽ chỉ được phép nắm giữ tối đa 20% cổ phần, các tổ chức phi tài chính nắm giữ tối đa 30% cổ phần và các tổ chức tài chính nắm 40% cổ phần.

Hiện tại Indonesia đang cho phép các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tới 99% cổ phần trong các ngân hàng địa phương.

Theo ông Muliaman Hadad, BI sẽ tiến hành kiểm toán các ngân hàng địa phương trong 18 tháng tới để đánh giá hiệu suất tài chính. Đã có ít nhất ba ngân hàng nước ngoài tạm dừng kế hoạch mua lại các ngân hàng địa phương của Indonesia trong khi chờ đợi quy định sửa đổi về quyền sở hữu, bao gồm các ngân hàng Malaysia Affin Bank muốn mua cổ phần của Ngân hàng Ina Perdana, RHB Capital quan tâm đến Ngân hàng Mestika và Ngân hàng xây dựng của Trung Quốc muốn đầu tư vào Ngân hàng Maspion./.

Việt Tú (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục