Đảo Phú Quốc - "con rồng bay lên giữa biển khơi"

Ý thức về nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú, độc đáo, đảo Phú Quốc coi trọng lồng ghép phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
Với diện tích gần 60.000ha, nằm trong vịnh Thái Lan và thuộc tỉnh Kiên Giang, Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất Việt Nam. Do có vị trí địa lý, chế độ khí hậu thủy văn đặc biệt, Phú Quốc có nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú và độc đáo.

Ý thức được các lợi thế từ thiên nhiên, Đảng, Chính phủ và Chính quyền tỉnh Kiên Giang đã có chủ trương, từ năm 2010 đến năm 2020, biến hòn đảo Phú Quốc thành "con rồng bay lên giữa biển khơi", đồng thời gắn nối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với Campuchia thành một hành lang giao lưu kinh tế, thăm quan du lịch, là điểm đến của cộng đồng các nước trong khối ASEAN và quốc tế.

Thiên nhiên đã tạo cho Phú Quốc nhiều cảnh quan sinh thái độc đáo với 26 hòn đảo lớn nhỏ, hội tụ đầy đủ các kiểu hệ sinh thái đặc trưng, gồm có rừng nguyên sinh, rừng thứ sinh, núi đá, núi đất, thảm cỏ, vùng đất ngập nước, rằng ngập mặn, rừng tràm, sông suối, thác nước, hồ tự nhiên có rạn san hô, bãi cỏ biển, thú biển, bò sát biển…

Phú Quốc có hệ thực vật phong phú với 1.164 loài thực vật bậc cao trên cạn thuộc 66 bộ, 137 họ và 531 chi của 6 ngành thực vật. Đặc biệt, ở đây có 54 loài thực vật thuộc diện đặc hữu (chỉ có ở Phú Quốc và một số vùng địa lý rất hẹp). Về động vật hoang dã, Phú Quốc có khoảng 180 loài có xương sống, trong đó 42 loài loài thuộc nhóm có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng như bò biển, voọc bạc, mèo rừng, hồng hoàng, bồ nông chân xám, đồi môi, cá sấu nước ngọt...

Địa hình ở đây mang sắc thái riêng với 99 ngọn đồi, diện tích rừng nguyên sinh cùng với rừng Tràm trải rộng, xen kẽ nhiều sông suối như sông Dương Đông, Cửa Cạn, Rạch Tràm... , các bãi tắm cũng còn rất hoang sơ, trải dài và tuyệt đẹp.

Chính sự đa dạng các hệ sinh thái, đa sinh cảnh đã tạo tiền đề cho sự hình thành các thảm thực vật, các loài động vật có xương sống, không xương sống trên cạn, dưới các vùng nước ngọt, nước biển. Đó là nguồn tài nguyên cực kỳ quan trọng không những góp phần phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho nhân dân trên đảo mà còn là điều kiện đặc biệt để xây dựng Vườn Quốc gia, bảo tồn các nguồn gen thực vật, động vật hoang dã quý hiếm và là cơ sở phát triển du lịch sinh thái bền vững.

Giáo sư-Tiến sĩ khoa học Đặng Huy Huỳnh, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, công tác quy hoạch Phú Quốc phải được lồng ghép mục tiêu phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường một cách chặt chẽ, đảm bảo tính bền vững.

Vì vậy, việc đánh giá nhận dạng những tác động tiêu cực khi triển khai các dự án phát triển kinh tế đối với môi trường tự nhiên, trong đó có các hệ sinh thái và đa dạng sinh học ở trên cạn và cùng biển rất quan trọng và cần thiết. Các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý cần thể chế các cơ chế đặc thù, chính sách ưu đãi đối với hoạt động bảo vệ môi trường.

Các cơ quan chức năng cũng cần xây dựng và áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách mới, đặc thù trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên môi trường, như chi trả dịch vụ môi trường, du lịch sinh thái, thu phí đối với các tiện ích công cộng về bảo vệ môi trường. Đối với các bãi tắm cần quy hoạch hợp lý không xâm phạm đến đất hệ sinh thái rừng tràm. Bên cạnh đó, tiến hành trồng bổ sung những khoảnh rừng tràm đã mất, cũng như trồng rừng ở khu vực phục hồi sinh thái của Vườn Quốc gia Phú Quốc.

Bên cạnh những nỗ lực tạo cho Phú Quốc một cơ sở hạ tầng hiện đại, hệ thống rừng ngập mặn, bãi cỏ biển, các rạn san hô... cần được bảo vệ cùng với việc tăng cường trồng lại rừng ngập mặn, chăm sóc bảo dưỡng rừng trồng trên các đường phố, khu dân cư. Ngoài ra, người dân và khách du lịch cũng cần được khuyến khích sử dụng các phương tiện thân thiện môi trường trong khu vực du lịch sinh thái.../.

Nguyễn Hồng Điệp (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục