Báo Nhật đánh giá cao thị trường bán lẻ Việt Nam

Báo Nhật, Sankei khẳng định thị trường bán lẻ Việt Nam có sức hấp dẫn không thể chối từ với doanh nghiệp dịch vụ và phân phối của Nhật.
Theo mạng tin Sankei (Nhật Bản) số ra ngày 14/11, hai “quốc gia trẻ” Việt Nam và Campuchia có sức hấp dẫn không thể chối từ đối với ngành công nghiệp dịch vụ và phân phối của Nhật Bản nhờ kết quả thống kê đầy khả quan về sức tiêu thụ của thị trường.

Mục tiêu hướng tới của dịch vụ bán lẻ là bắt kịp sức trẻ và năng động ở hai quốc gia này với cơ cấu dân số trẻ.

Dân số trẻ - Thị trường đầy hứa hẹn ở Việt Nam

80% dân số của Việt Nam dưới 25 tuổi. Đây thực sự là một xã hội trẻ trung và năng động. Đối với các hãng bán lẻ Nhật Bản, các em học sinh trung học cũng chính là những khách hàng tiềm năng trong tương lai. Các doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản này hoàn toàn có hy vọng chinh phục trái tim các bạn trẻ Việt Nam cơm nắm (onigiri), truyện tranh Doraemon và văn hoá nồi hấp (nabebunka) với món Oden nóng hổi mang đặc trưng Nhật Bản.

Thị trường bán lẻ của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 20% mỗi năm và doanh thu hứa hẹn đạt 9.000 tỷ yên (khoảng hơn 110 tỷ USD). Giám đốc Vina Family Mart, Yamamoto Junichi, cho biết: “Con số thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều”. Tại các khu phố trung tâm của TP Hồ Chí Minh, thu nhập bình quân đầu người của một số khu dân cư có thể lên tới 4.000-5.000 USD và ông Yamamoto cho rằng “việc bắt kịp mức thu nhập bình quân 10.000 USD như ở Bangkok (Thái Lan) chỉ còn là vấn đề thời gian.”

Giám đốc Trung tâm thương mại thời trang Zen Plaza ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Fukukawa Shiro, chia sẻ: “Kinh tế Việt Nam đang khó khăn nhưng cơ hội kinh doanh ở đây là rất lớn vì giới trẻ nước này khá nhạy cảm với với tốc độ phổ cập điện thoại thông minh và thời trang.”

Trong khi đó, “đại gia” hàng hiệu của Nhật Bản Takashimaya cũng đang ấp ủ tham vọng tăng cường đầu tư vào Việt Nam và dự định mở một cửa hiệu cao cấp ở trung tâm thành phố vào năm 2015.

27 cửa hiệu Family Mart đang mọc lên như nấm tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố lớn nhất Việt Nam. Family Mart dự kiến sẽ mở rộng địa giới của mình tại thị trường nhiều tiềm năng này với tốc độ chóng mặt với 300 cửa hiệu vào năm 2015 và 1.000 cửa hiệu vào năm 2020.

Sang năm 2013, Family Mart có kế hoạch sẽ tiến ra thủ đô Hà Nội, miền Bắc Việt Nam. Vũ khí lớn nhất cho sự phát triển mạnh mẽ này là nhờ mối quan hệ với Tập đoàn Phú Thái, một tập đoàn phân phối bán lẻ của Việt Nam. Cùng với các cửa hàng bán lẻ của Phú Thái, thông qua thương hiệu Vina Family Mart ra đời tháng 7/2011, Family Mart sẽ gia tăng mạnh mẽ số lượng các cửa hiệu bán lẻ trong tương lai.

Tương lai xán lạn ở Campuchia

Tập đoàn AEON có kế hoạch mở một trung tâm mua sắm AEON Mall ngay gần khách sạn sang trọng Sofitel ở thủ đô Phnôm Pênh của Campuchia nhằm đem đến dịch vụ tốt nhất cho các du khách đang trong kỳ nghỉ dưỡng và người dân trong khu vực các dịch vụ từ vui chơi, giải trí đến ăn uống.

Mùa Xuân năm ngoái, Trưởng đại diện AEON tại Campuchia, ông Shinobu Washizawa, đã bắt đầu công việc điều tra thị trường và nghiên cứu tiền khả thi dự án đối với khu vực này theo yêu cầu của Tập đoàn AEON. Thực tế, AEON đã có mặt ở Campuchia từ khá lâu với các hoạt động mang tính xã hội như rà phá bom mìn, xây dựng trường học,… Chính những kinh nghiệm hoạt động này đã góp phần quan trọng cho công việc kinh doanh của AEON tại Campuchia.

Toàn bộ quá trình từ công việc điều tra đến thu mua đất và giải phóng mặt bằng chỉ mất 1 năm. Tốc độ xây dựng cũng khiến dư luận trong và ngoài nước không khỏi ngỡ ngàng. Thực tế, dự án siêu thị này có khả năng mang lại nhiều công ăn việc làm cho người dân bản địa và Thủ tướng Hun Sen có thể sẽ tham dự lễ khởi công công trình này vào ngày 10/12 tới.

Campuchia là nước nghèo nhất trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhưng tình hình kinh tế ở riêng thủ đô Phnom Penh lại có đôi chút khác biệt. Trong phạm vi bán kính 5km quanh dự án đại siêu thị, 78% cư dân có mức thu nhập trên 400 USD (khoảng 32.000 yen) và nếu thu hẹp phạm vi bán kính xuống 1km thì tới 61% người dân có thu nhập trên 800 USD.

Trên các con đường còn lởm chởm đất đá, người ta vẫn có thể nhìn thấy rất nhiều xe mang nhãn hiệu Toyota đang đi lại rầm rập. Hình ảnh đó là đại diện cho sức sống của một quốc gia trẻ vẫn còn chờ đợi cơ hội cho tăng trưởng và phát triển. Dự kiến, thị trường tiêu dùng của Campuchia có thể sẽ bùng nổ lên gấp đôi với 10,7 tỷ yên trong năm 2020.

Trên một diện tích 46.313m2 ở khu vực này, nay mai sẽ mọc lên 180 cửa hiệu trong đó bao gồm cả siêu thị bán lẻ của AEON. Giám đốc AEON Mall chi nhánh Campuchia Makoto Yajima khẳng định: “Chúng tôi sẽ không chỉ xuất khẩu mô hình kinh doanh AEON Mall ở Nhật Bản đến nơi đây” mà bên cạnh việc thu hút những thương hiệu nổi tiếng thế giới đến khu vực này, AEON còn có tham vọng xây dựng một làng ẩm thực tại khu vực này mà ngay ở Nhật Bản cũng chưa từng thực hiện.

Độ tuổi trung bình của Campuchia trong khối ASEAN là trẻ nhất và cũng là quốc gia phải trải qua vết thương chiến tranh. Mục tiêu của AEON nằm ở ngay chính cơ cấu dân số này. Chuỗi siêu thị này hy vọng sẽ có thể cùng phát triển với xã hội Campuchia với việc nhắm tới các gia đình trẻ.

Ở Phnom Penh, ngoài 4 trung tâm mua sắm lớn của Thái Lan, tháng 1/2012 vừa qua, Công ty Dairy Farm của Hồng Công cũng tham gia với siêu thị Lucky trong khi công ty Parkson của Malaysia cũng tham gia cuộc canh tranh toàn cầu này với kế hoạch mở trung tâm mua sắm vào năm 2014./.

Hữu Thắng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục