Nga có thể xem xét hủy bỏ "dòng chảy phương Nam"

Mátxcơva đang xem xét khả năng hủy bỏ xây dựng đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Nam" (South Stream) cung cấp cho châu Âu.
Ngày 17/3, dẫn tuyên bố của Phó Thủ tướng Nga Igor Sechin xác nhận Mátxcơva đang xem xét khả năng hủy bỏ một trong những dự án năng lượng lớn nhất, xây dựng đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Nam" (South Stream) cung cấp cho châu Âu.

Phó Thủ tướng Sechin khẳng định lại thông báo trên sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Redzhep Erdogan chiều 16/3 tại Điện Kremlin, tại đó Ankara chưa chấp thuận để "Dòng chảy phương Nam" chạy qua lãnh thổ nước này.

Phó Thủ tướng Sechin nhấn mạnh Nga đang nghiên cứu các phương án khác để vận chuyển khí đốt sang Tây Âu với giá thành rẻ hơn, chẳng hạn vận chuyển khí đốt hóa lỏng qua Biển Đen.

Tuần trước, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã chỉ thị cho Bộ trưởng Năng lượng Sergey Shmatko nghiên cứu dự án xây dựng nhà máy sản xuất khí đốt hóa lỏng ven Biển Đen.

Dự án đường ống khí đốt "Dòng chảy phương Nam" do tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga và tập đoàn năng lượng ENI của Italy cùng khởi xướng, có chiều dài gần 900 km, tổng vốn đầu tư dự kiến 15 tỷ USD với tổng công suất 63 tỷ m3 khí đốt/năm, chạy qua Biển Đen vào lãnh thổ các nước Bulgaria, Serbia, Hungary, Slovenia, Áo và Italy và có các nhánh chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ, Croatia, Macedonia và Hy Lạp.

Dự án "Dòng chảy phương Nam" được cho là có tầm quan trọng chiến lược trong việc bảo đảm an ninh năng lượng cho bán đảo Balkan cũng như toàn bộ châu Âu. Hiện nay, Nga đang cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu và khoảng 30% lượng dầu mỏ nhập khẩu của châu lục này.

Các nhà quan sát cho rằng tuyên bố trên đây của Phó Thủ tướng Nga chỉ là một biểu hiện về việc Mátxcơva đang gây áp lực Ankara trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đòi Nga phải giảm giá bán khí đốt để đổi lấy việc cho phép "Dòng chảy phương Nam" chạy qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp trước đó Nga đã có nhượng bộ đầu tiên khi đồng ý xây dựng đường ống dẫn dầu Samsung-Dzheikhan có lợi cho Ancara, nhưng lại tác hại tới dự án xây dựng đường ống dẫn dầu-khí Burgas-Anlexandrupolis mà Nga dự định phối hợp với Bulgaria và Hy Lạp xây dựng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục