Phát triển thương mại biên giới: Đích còn rất xa

Tình trạng mất cân bằng trong cán cân thương mại đang là vấn đề nổi cộm trong giao thương biên giới phía Bắc với phía Trung Quốc.
Mặc dù kim ngạch buôn bán giữa Việt Nam-Trung Quốc không ngừng được đẩy mạnh trong thời gian qua, nhưng tình trạng mất cân bằng trong cán cân thương mại vẫn đang là vấn đề nổi cộm của bảy tỉnh biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc.

Tại hội nghị Tổng kết hoạt động thương mại biên giới tuyến phía Bắc do Bộ Công Thương tổ chức sáng 18/11 tại Hà Nội, các ý kiến từ phía địa phương đều tỏ ra bức xúc về tình trạng xuống cấp của cơ sở hạ tầng, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu nghèo nàn và thủ tục hành chính chưa thông thoáng... là nguyên nhân chính giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước.

Mất cân bằng thương mại

Theo báo cáo của Vụ Thương mại miền núi, Bộ Công thương, hoạt động thương mại biên giới bảy tỉnh phía Bắc giáp Trung Quốc bao gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu trong giai đoạn 2006-2011 không ngừng tăng về giá trị, bình quân mỗi năm tăng 16,6%, tương ứng là 23.858,3 triệu USD.

Năm 2010, kim ngạch xuất nhập khẩu của bảy tỉnh nêu trên đạt 4.047,8 triệu USD, tăng 12,4% so với năm 2009. Riêng chín tháng đầu năm 2011, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 3.685,2 triệu USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2010.

Tuy nhiên, nhập siêu vẫn là những thách thức đặt ra trong thương mại hai chiều. Hiện nay, chỉ có duy nhất Lào Cai là một trong chín cặp cửa khẩu phía Bắc có tình trạng xuất siêu hàng hóa trong mười tháng đầu năm 2011 với mức xuất siêu là 100 triệu USD.

Có thể thấy, cơ sở vật chất còn nghèo nàn lạc hậu, thủ tục hành chính phiền hà, các loại hình dịch vụ hỗ trợ thương mại biên giới như bốc dỡ hàng hóa, thông quan, vận tải, kho vận, chưa nói các dịch vụ gia tăng như đóng gói, chế biến… làm chi phí tăng cao, giảm tính cạnh tranh, chất lượng của nông sản, thực phẩm giảm chất lượng.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh thẳng thắn cho rằng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật ở cửa khẩu biên giới ngày càng lạc hậu so với tiềm năng trao đổi thương mại hàng hóa đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu hút đầu tư.

Đơn cử ở Móng Cái, lưu lượng hàng hóa qua cửa khẩu này bình quân đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng/năm nhưng hiện nay hạ tầng thương mại và đường xá không được đầu tư nâng cấp tương xứng nên nhiều tiểu thương đã tìm đường quay lại phía Trung Quốc để buôn bán.  "Có thể hôm nay thu hút được doanh nhân phía họ, nhưng ngày mai lại khác," Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cảnh báo.

Với đường biên kéo dài trên 265 km nhưng đại diện tỉnh Lai Châu cũng hết sức băn khoăn khi thương mại biên giới đang giảm mạnh, từ mức 35 triệu USD vào năm 2006 đã rút xuống chỉ còn 4 triệu USD vào năm 2009 và chỉ tiêu 100 triệu USD trong giai đoạn 2006-20112 xem ra rất xa vời.

"Do đường xá đi lại rất khó khăn và các tuyến quốc lộ đều đang phải nâng cấp, thậm chí do ảnh hưởng củng việc dừng đầu tư công thì đường quốc lộ đang cải tạo đều biến thành đường đất, khiến việc vận chuyển hàng hóa chậm lại," Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu, Nguyễn Chương bày tỏ.

Nhiều ý kiến phản ánh tại hội nghị cũng cho thấy, việc quản lý cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc còn chưa đồng nhất, trao đổi hàng hóa phụ thuộc rất nhiều vào phía bạn cả về thời gian, địa điểm giao hàng.

Đơn cử là là hàng hóa của Việt Nam xuất sang Trung Quốc phải qua một hoặc một số cửa khẩu do phía bạn chỉ định. Bên cạnh đó, đường giao thông ở một số nơi chật hẹp, xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa. Tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn là một ví dụ.

"Chúng ta cần phải có chiến lược lâu dài để đầu tư nâng cấp các cửa khẩu biên giới mới có thể thay đổi được chênh lệch thương mại và hỗ trợ tốt cho xuất khẩu," đại diện tỉnh Lạng Sơn khuyến nghị.

Cần chính sách đặc thù

Cuộc sống biên giới năng động, luôn thay đổi. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để chính sách phát triển thương mại biên giới vừa là một bộ phận trong chính sách chung của thương mại trong nước, phù hợp với đặc điểm khu vực biên giới của Việt Nam, vừa tương thích với sự phát triển kinh tế trong khu vực.

Theo ý kiến của nhiều đại biểu thì cần trao quyền nhiều hơn cho các tỉnh trong các hoạt động thu thuế xuất nhập khẩu và tập trung khuyến khích những lợi thế vùng.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang cho rằng, với số vốn 20 tỷ đồng/năm đầu tư dàn trải vào các cửa cặp chợ đường biên thì không thể phát triển được. Do vậy tỉnh cũng kiến nghị phần vượt thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cần trích lại để tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Với lợi thế là cây thuốc và chè xuất khẩu, tỉnh cũng nhấn mạnh đến sự hỗ trợ của Trung ương và sự thu hút đầu tư của các doanh nghiệp lớn để gia tăng chất lượng cũng như đưa thương hiệu của sản phẩm lên cao.

Ý kiến này nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu, thậm chí, Phó Chủ tịch tỉnh Lào Cai còn đề xuất, nên để lại 50% phần vượt thu cho các tỉnh để tái đầu tư vì để lại đầu tư càng nhiều thì khoản thu và nộp lại cho Ngân sách nhà nước những năm sau sẽ càng cao hơn.

Ngoài ra, đại diện Sở Công thương tỉnh cũng hiến kế, bên cạnh việc được trích lại một phần để giúp tỉnh xây dựng lại hạ tầng kỹ thuật thì trong khi chờ đợi ý kiến của Chính phủ thì hình thức xã hội hóa trong việc thu hút đầu tư vào hạ tầng, kho bãi cần được nhân rộng, để mọi doanh nghiệp thấy được lợi ích và cùng tham gia.

Trao đổi về vấn đề này với Tiến sỹ Hoàng Thọ Xuân, Chuyên gia cao cấp Viện nghiên cứu thương mại thì ông cũng đồng tình cho rằng, nguồn thu từ các khu kinh tế cửa khẩu nhằm tái đầu tư là cần thiết. Vì về bản chất, việc “lấy mỡ nó rán nó” sẽ tạo động lực tốt hơn và tăng tính chủ động của các địa phương.

"Việc này cần được quy định rõ hơn trong Luật Thương mại sửa đổi và các bộ, ngành liên quan cần rà soát lại các chính sách, phải xem xét đến tính đồng bộ. Nên thiết kết một quy định khung trong đó có không gian phù hợp với từng tuyến và hướng mọi chính sách vào mục tiêu gia tăng xuất khẩu, trước hết là phát huy lợi thế địa kinh tế của khu vực biên giới," Tiến sỹ Hoàng Thọ Xuân nói.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cũng kiến nghị, tới đây, hoạt động thương mại biên giới khu vực phía Bắc cần xây dựng chiến lược theo cả tầm dài hạn và trung hạn để từ đó có sự chỉ đạo các chương trình hành động cụ thể phát triển quan hệ biên giới với Trung Quốc, nhất là phát triển hàng xuất khẩu.

Cùng với đó, cần phải xây dựng quy chế phối hợp trong quản lý thương mại biên giới với cơ quan chức năng ở Trung ương và các tỉnh biên giới trong việc tổ chức, quản lý, điều hành và nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại biên giới tạo điều kiện để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc.

Bộ Công thương sẽ cùng với các bộ ngành liên quan đề xuất những chính sách thuế ở cửa khẩu biên giới phía Bắc theo hướng thuận tiện hơn, đơn giản, tiết kiệm cho doanh nghiệp. Đồng thời báo cáo Chính phủ chỉ đạo việc hỗ trợ doanh nghiệp như: phát triển hệ thống phân phối hàng hóa từ vùng sản xuất đến khu vực cửa khẩu và xuất khẩu sang các tỉnh bạn; thiết lập và cung cấp thông tin về thị trường biên giới, tổ chức các hoạt động giao nhận, vận chuyển hàng hóa và dịch vụ qua cửa khẩu.

Thứ trưởng cho biết, thông qua các thương vụ tại Trung Quốc, Bộ Công thương sẽ chủ động đàm phán với phía bạn để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thông thương hàng hóa xuất khẩu qua biên giới, tránh ách tắc và giải quyết những khúc mắc về thủ tục thanh toán, cung cấp nhiều thông tin về thị trường giúp doanh nghiệp giảm rủi ro kinh doanh...

Hiện tại, Bộ Công thương đang tiến hành quy hoạch xây dựng hệ thống chợ dọc biên giới Việt Nam với Lào và Campuchia, khi hoàn thành sẽ tạo ra những cơ sở thuận lợi cho thương mại biên giới, qua đó đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục