Tiến trình hội nhập hướng tới một ASEAN hội nhập

ASEAN phối hợp với OECD tổ chức hội thảo chuyên đề quốc tế về thu hẹp khoảng cách hướng tới một cộng đồng chung vào năm 2015.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vừa phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tổ chức một cuộc hội thảo chuyên đề quốc tế về thu hẹp khoảng cách phát triển trong tiến trình hội nhập hướng tới một cộng đồng chung vào năm 2015 của ASEAN.

Trong cuộc hội thảo tại trụ sở Ban thư ký ASEAN ở Jakarta, các diễn giả thuộc Trung tâm Phát triển OECD, Ban thư ký ASEAN, Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á đã giới thiệu, trao đổi quan điểm và thảo luận về các vấn đề liên quan đến Báo cáo "Triển vọng Đông Nam Á 2013: Thu hẹp khoảng cách phát triển” vừa được OECD công bố, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hội nhập, thu hẹp khoảng cách phát triển của các nước ASEAN-4, bao gồm Campuchia, Lào, Mianma và Việt Nam (CLMV) so với các nước thành viên còn lại ASEAN-6, bao gồm Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia.

Hội thảo cũng đã tập trung phân tích những vấn đề chính sách tăng trưởng mà các nước CLMV phải đối mặt trong quá trình phát triển và thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, và phát huy tối đa đà tăng trưởng của mình, được OECD dự báo sẽ tiếp tục được duy trì ở mức cao 6-7% những năm tới, trong tiến trình hội nhập.

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, Giám đốc Châu Á của Trung tâm Phát triển OECD, ông Kensuke Tanaka đã lưu ý rằng ngoài chênh lệch thu nhập giữa các nước thành viên, ASEAN cần chú trọng hơn nữa đến tình trạng này trong những lĩnh vực quan trọng khác, như nghèo đói và phát triển nguồn nhân lực.

Theo đánh giá “Thu hẹp các chỉ số khoảng cách phát triển (NDGI)” của Trung tâm Phát triển OECD và Ban thư ký ASEAN, thì chênh lệch khoảng cách giữa CLMV và ASEAN-6 về nghèo đói là 4,4 , phát triển nguồn nhân lực là 4,0, cơ sở hạ tầng là 3,5, thương mại và đầu tư là 3,1, về công nghệ thông tin là 2,9 và về du lịch là 1,5, trong thang điểm từ “0” là không có chênh lệch, đến “10” là chênh lệch lớn nhất.

Trưởng Văn phòng Giám sát hội nhập ASEAN, Ban thư ký ASEAN, Tiến sĩ Alátđin Rilô (Aladdin Rillo) nói rằng những chỉ số trên càng làm nổi bật những mục tiêu, khả năng và lợi ích mà Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) có thể mang lại trong việc thu hẹp sự chênh lệch kinh tế trong khu vực, và điều này đòi hỏi các nước thành viên phải theo đuổi một cách mạnh mẽ việc thực hiện AEC như một chiến lược tăng trưởng bền vững khu vực.

Tiến sỹ Sothea Oum của Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á cho biết sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI), được đưa ra năm 2000, đã đặc biệt chú ý đến việc thu hẹp sự chênh lệch khoảng cách phát triển một cách công bằng và toàn diện, và Kế hoạch làm việc IAI lần thứ hai giai đoạn 2009-2015 dành ưu tiên hàng đầu cho các lĩnh vực then chốt như thương mại, đầu tư và du lịch.

Chuyên gia này cho rằng để đẩy nhanh tốc độ thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, các nước CLMV cần thực hiện các chính sách cơ cấu cần thiết để thúc đẩy năng suất, đầu tư vào cơ sở hạ tầng xã hội mạnh mẽ hơn, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế, và nâng cao năng lực của các quan chức, bởi năng lực hạn chế ở cấp quốc gia cũng có nghĩa là kém hiệu quả hội nhập ở cấp khu vực.

Các đại biểu tham dự Hội thảo nhất trí rằng hành trình xây dựng một Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 yêu cầu các nước, bao gồm cả các thành viên mới, không chỉ ở trên cùng một con đường, mà còn phải bước đều nhau trên con đường đó. Do vậy, thu hẹp khoảng cách phát triển luôn cần được sự quan tâm đặc biệt trong quá trình hội nhập của ASEAN./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục