Phố "bốc mùi" vì rác

Hà Nội: Nhiều đoạn phố bốc mùi vì xe rác

Những xe gom rác chình ình bên vỉa hè, lòng đường Hà Nội, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc làm khổ cả cư dân  lẫn người đi đường.
Ngày ngày đạp xe đi-về qua một số điểm tập kết xe gom rác ở đoạn đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), chị Hằng phải đưa tay bịt mũi dù đã che bằng lớp khẩu trang dày cộp. Nhưng nhiều hôm, mùi hôi thối vẫn xộc vào...

Không chỉ chị Hằng, nhiều người dân cũng phàn nàn với phóng viên Vietnam+ về chuyện những xe gom rác chình ình trên khắp lề đường, hè phố. Nó không chỉ gây mất mỹ quan cho bộ mặt phố phường của Thủ đô nghìn năm văn vật, mà còn làm ô nhiễm môi trường sống.

Ngột ngạt vì mùi rác

Chị Hằng bảo rằng, trọ nhà ở Trần Phú (Hà Đông), đi làm ở Tây Sơn bằng xe đạp. Sức khỏe yếu nên hễ đi qua những điểm tập kết rác thì chị lại phải phóng thật nhanh, nếu không sẽ phát nôn ọe.

Tại đoạn đường này, đặc biệt phía bên trên lối rẽ vào Phùng Khoang, cứ chiều chiều, hàng chục xe gom rác tập kết. Xe nào xe nấy chẳng những đầy mà còn… lặc lè bởi công nhân đã “quây” thêm những thanh gỗ để chất rác được nhiều hơn.

Ông Nguyễn Thanh, một người dân sống ở khu này nói rằng, có hôm, một số xe rác còn được tập kết vào buổi trưa. Vào mùa hè, trời oi nắng, rác bị phân hủy và bốc mùi vô cùng khó chịu.

“Nhiều người đóng kín mít cửa mà vẫn ngửi thấy mùi rác. Trẻ con, người già như chúng tôi rất khó ở. Có lúc họ che bạt, lúc không nhưng cũng chẳng thể át mùi” ông bức xúc.

Theo quan sát của phóng viên Vietnam+ trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, những xe đẩy gom rác thường được tập kết ở lề đường hoặc trên vỉa hè mà phía trước không phải căn hộ gia đình.

Bà bán nước ở góc sau chùa Quán Sứ (phố Lý Thường Kiệt) nói rằng, bán nước ở đây từ năm 1994, bà hứng đủ mùi hôi thối từ những xe rác của Xí nghiệp môi trường đô thị số 2 “tập kết.”

“Họ có rửa xe, nhưng thường thì vài ngày rửa một lần, có phủ bạt, song cũng chả ăn thua. Lúc xe đầy rác thì mùi hôi thối còn kinh khủng hơn rất nhiều,” bà nói.

Lại nữa, bởi những xe rác đầy như vậy nên khi có cơn gió mạnh, những túi nilon, rác nhẹ lại bay xuống đường, bẩn phố.

Chưa có lời giải

Trên thực tế, hầu hết các tuyến phố nội thành Hà Nội đều có điểm tập kết rác. Tại đó, vấn đề môi trường và mỹ quan đô thị luôn là vấn đề bức xúc.

Một công nhân đang lúi húi đẩy chiếc xe gom rác về điểm tập kết ở đường Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân) thừa nhận, để xe rác ở cạnh các công ty, công sở hoặc điểm công cộng sẽ “đỡ bị phản đối.”

Chị cũng kể, công nhân thu gom về để đó, còn việc xe cẩu đến chở đi cũng còn tùy. Có hôm thì nhanh, hôm thì chậm bởi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tắc đường, xe hỏng…

“Biết là người dân kêu, nhưng cũng chẳng có cách nào khác, chúng tôi không thể đẩy xe ra tận ngoại thành được,” chị phân bua.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Vũ Cường, Trưởng phòng Kỹ thuật Công nghệ (Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Môi trường đô thị - URENCO) nói rằng, đây là một bài toán khó.

Ông Cường nói, đặc thù ở Hà Nội (cũ) là ngõ nhỏ và phố nhỏ nhiều. Hơn nữa, một bộ phận người dân không có thói quen đổ rác theo giờ quy định. Bởi vậy, việc thu gom rác trên các tuyến phố phải diễn ra liên tục.

Không thu thì rác khắp phố, thu về thì lại gặp vấn đề mỹ quan và ô nhiễm ở một chỗ. Thành phố Hà Nội không có điểm trung chuyển, nên việc tập kết rác thường được lựa chọn ở khu vực đường vắng dân và được sự đồng ý của chính quyền sở tại. Song, các điểm này đôi lúc cũng phải… di động vì sự quy hoạch trong xây dựng, phát triển đô thị.

Lại nữa, không phải lúc nào xe vận chuyển rác tới bãi tập kết cũng có thể vào được nội thành bởi phải hoạt động theo giờ giấc mà ngành giao thông quy định. Đấy là chưa kể đến những lý do khách quan như hỏng xe, tắc đường…

Bởi vậy, ông Vũ Cường thừa nhận, giải quyết việc các xe trung chuyển rác chình ình bên lề đường là rất khó. Và, điều này chỉ làm được ở các khu đô thị mới, có nhà chứa rác.

Tuy nhiên, để hạn chế, ông Cường nói URENCO thường xuyên kiểm tra, xử phạt nếu nhân viên của mình để xe rác mà không phủ bạt, không rửa xe…

URENCO cũng đang chuyển dần từ việc dùng xe đẩy gom rác sang các thùng nhựa để tạo mỹ quan, tránh hiện tượng quây để gom được nhiều rác. Ngoài ra, đơn vị này cũng đã lắp đặt khoảng 3.000 thùng rác công cộng từ 90 lít đến 240 lít để người dân bỏ rác vào thùng.

Ông Cường cũng như một số người làm công tác vệ sinh môi trường đều cho rằng, ngoài việc đơn vị dịch vụ cố gắng để giải quyết rác thì việc tuyên truyền để người dân đổ rác có giờ và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền là rất quan trọng.

Còn những người dân như chị Hằng, ông Thanh… thì chỉ biết trông đợi vào “phép lạ” từ cơ quan chức năng để họ bớt khổ vì mùi rác và Hà Nội cũng sẽ thực sự Xanh – Sạch – Đẹp hơn, nhất là khi Thủ đô lại đang tiến rất gần tới ngày Đại lễ Nghìn năm./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục