Mỹ cắt viện trợ cho các nhà máy nhiệt điện nước ngoài

Chính quyền Mỹ ngày 29/10 thông báo kế hoạch chấm dứt tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá ở nước ngoài.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Trong một động thái hiện thực hóa các cam kết chống biến đổi khí hậu đưa ra hồi tháng Sáu vừa qua, Chính quyền của Tổng thống Barack Obama ngày 29/10 thông báo kế hoạch chấm dứt tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá ở nước ngoài, một trong những dạng năng lượng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất.

Trong thông báo, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố Washington sẽ chỉ viện trợ cho các nhà máy điện tiêu thụ than đá ở các quốc gia nghèo nhất trên thế giới trong trường hợp các nước này không có nguồn nguyên liệu thay thế khác rẻ và hiệu quả.

Đối với các nước giàu hơn, chỉ những nhà máy nhiệt điện áp dụng công nghệ thu giữ carbon nhằm hạn chế khí phát thải độc hại mới nhận được các khoản viện trợ của Mỹ.

Giới phân tích nhận định chính sách mới này của Washington sẽ tác động mạnh tới các nhà máy nhiệt điện ở những nước nghèo đang được các ngân hàng phát triển đa phương mà Mỹ có ảnh hưởng lớn như Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách vấn đề quốc tế Lael Brainard khẳng định quyết định trên của Washington đánh dấu một bước đi quan trọng trong nỗ lực tuyên truyền sử dụng các nguồn năng lượng sạch và thân thiện với môi trường.

Ngay sau đó, WB cũng nhất trí với một chiến lược năng lượng mới tương tự của Mỹ, theo đó hạn chế tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện tại các nước nghèo.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng quyết định này của Chính phủ Mỹ và WB sẽ vấp phải áp lực chính trị khi các nhóm ngành công nghiệp cảnh báo về số lượng việc làm bị thu hẹp và giá điện có thể tăng khi nguồn cung bị giới hạn lại.

Các nhà phân tích cũng đặt câu hỏi về khả năng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc, nước tiêu thụ gần một nửa lượng than đá toàn cầu, sẽ phản ứng như thế nào với chính sách mới.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý một thực tế là một nghiên cứu hồi năm ngoái cho thấy, các nhà máy nhiệt điện mới tại Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến chiếm khoảng 76% lượng điện nhiệt điện thế giới, mà đây lại là hai nước không phụ thuộc vào nguồn viện trợ nước ngoài trong lĩnh vực này.

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh một loạt các dự báo gần đây nhận định thế giới khó đạt mục tiêu Liên hợp quốc đưa ra về hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong phạm vi 2 độ C so với mức ở giai đoạn tiền công nghiệp, do lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính không ngừng tăng lên.

Một báo cáo công bố tháng trước đã cảnh báo về những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng do biến đổi khí hậu như sự tuyệt chủng của các loài động thực vật, thiếu nước ngọt, mất mùa, mất đất sản xuất do nước biển dâng và bệnh tật tràn lan.

Mỹ là quốc gia đứng thứ hai trên thế giới về lượng phát thải khí thải gây hiệu ứng nhà kính, được cho là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng biến đổi khí hậu.

Năm 2009, tại hội nghị thượng đỉnh Copenhagen ở Đan Mạch, Tổng thống Obama đã ký kết mục tiêu vào năm 2020 cắt giảm 17% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức của năm 2005.

Trong nhiệm kỳ thứ nhất của Tổng thống Obama, Mỹ không xây dựng thêm bất kỳ nhà máy nhiệt điện mới nào, và chính quyền đã đóng cửa 100 nhà máy và khoảng 150 nhà máy khác có thể cũng sẽ phải đóng cửa do không đáp ứng các quy định khắt khe về khí thải độc hại.

Theo số liệu thống kê mới đây của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), lượng khí gây hiệu ứng nhà kính do các nhà máy điện của nước này thải ra đã giảm 10% kể từ năm 2010 còn 3,13 tỷ tấn năm 2012.

Hiện tại than đá đóng góp tới 42% sản lượng điện của Mỹ nhưng cũng là nguồn thải ra lượng khí CO2 lớn nhất tại các nhà máy điện, chiếm tới 83%./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục