Loại bỏ xăng “rởm’: Cần kiểm soát từ chuỗi đại lý

Các cây xăng "rởm" vẫn hoạt động bằng nhiều cách. Tuy nhiên, quản lý hệ thống các "chuỗi" cửa hàng này như thế nào vẫn là bài toán khó.
Hàng loạt các vụ xăng “rởm” pha nước hay sử dụng tạp chất phụ gia bừa bãi bị phát hiện đang ảnh hưởng đến chất lượng xăng dầu và sự an toàn của động cơ khiến nhiều người dân lo ngại mỗi khi ra đường.

Theo các chuyên gia khoa học, pha phụ gia vào xăng dầu là điều cần thiết nhưng điều này có ảnh hưởng lớn đến chất lượng. Tuy nhiên, các tạp chất phụ gia pha vào xăng dầu có rẻ hơn xăng không và xác định chất nào pha vào để tạo xăng "rởm" vẫn là câu hỏi đang được đưa ra bàn luận.

Bên cạnh đó, chất lượng xăng dầu ở khâu trung gian bán lẻ hiện đang kiểm soát vô cùng lỏng lẻo và bị bỏ ngỏ.

Thông tin trên được đưa ra trong hội thảo khoa học Loại bỏ xăng dầu lẫn tạp chất vì sự an toàn của động cơ được tổ chức tại Hà Nội vào sáng nay (25/4).

Cần xác định chất tạo xăng “rởm”

Theo ông Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn, Giám định dân sự (VUSTA), xăng dầu rởm là do các nhiên liệu khi được pha trộn không đảm bảo các thành phần theo như tiêu chuẩn đã quy định với mục đích kiếm lợi nhuận và chủ yếu do người có kiến thức chuyên môn thấp thực hiện.

Ông Hùng cho biết: “Chúng ta biết tới có 3 loại phụ gia có thể pha vào xăng là ethanol, acetone và methanol, đều là phụ gia chứa hợp chất gốc oxy. Khi các tạp chất pha vào xăng dầu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng xăng dầu như: Nhiệt độ bay hơi, sử dụng động cơ sẽ có nhiều thay đổi...”

Ông Hùng nhận định, các chất phụ gia trên thực tế được pha vào xăng nhưng ở tỷ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 1-2%. Với tỷ lệ nhỏ này, các phụ gia sẽ không làm biến chất xăng dầu và làm ảnh hưởng tới các động cơ, chi tiết máy móc. Mục đích người ta pha phụ gia này vào là để làm tăng trị số ốc tan trong xăng lên.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, các doanh nghiệp vì lợi nhuận nên khi pha chế với hàm lượng lớn, lên tới 10-15% thì các phụ gia sẽ gây tác hại khác. Khi đưa acetone hay methanol vào trong xăng sẽ làm tăng hợp chất chưa gốc oxy trong xăng, làm quá trình cháy tốt hơn. Nhưng ở lượng lớn, các phụ gia sẽ làm thay đổi thành phần bay hơi ở nhiệt độ bình thường, làm thay đổi cân bằng về hơi, áp suất hơi trong động cơ cũng bị thay đổi theo. Do đó, pha nhiều quá thì ảnh hưởng chất lượng nhiên liệu mặc dù kiểm tra, trị số ốc tan tăng.

Đồng tình quan điểm đó, đại diện trường Đại học Bách Khoa cho rằng, xăng không phải là chất thuần khiết mà là hỗn hợp. Những chất nào pha vào là tạp chất thì cần phải xác định rõ với tỷ lệ bao nhiêu phần trăm.
 
“Nhiều tạp chất được pha vào xăng và được các cửa hàng bán tới người tiêu dùng. Tuy nhiên, tỉ lệ pha trộn các tạp chất là bao nhiêu? pha những dung môi gì vào xăng để tạo xăng "rởm”? có tác hại gì? giá thành của những hỗn hợp này có rẻ hơn xăng?,” đại diện trường Bách Khoa đặt ra một loạt câu hỏi.

Theo ông Đinh Ngọc Ân, Trưởng khoa Cơ khí Động lực, trưởng bộ môn Công nghệ ôtô, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, nước được pha trộn cùng với tạp chất khác sẽ làm thể tích xăng tăng lên nên cửa hàng có thể hút thêm được lượng xăng từ téc, bồn... và đem lại lợi ích không nhỏ.

“Bên cạnh đó, giá thành acetone, methanol chỉ rẻ bằng 1 nửa giá xăng. Việc mua các phụ gia này cũng rất dễ. Vì vậy, việc trộn các tạp chất hoàn toàn nằm trong tay doanh nghiệp,” ông Ân nhấn mạnh.

Phải kiểm soát từ “chuỗi” đại lý

Thừa nhận việc phải chịu trách nhiệm tới cùng về chất lượng xăng dầu bán cho người tiêu dùng nhưng các doanh nghiệp đầu mối đều than thở, vô cùng khó kiểm soát khâu vận chuyển, chế tài xử lý chưa cụ thể, rõ ràng.

Theo ông Kiên, về cơ bản, chất lượng xăng dầu vẫn được Nhà nước quản lý, ở một mức độ nào đó thì mặt hàng này được kiểm soát khá tốt với nhiều mặt hàng khác. Xăng dầu nằm trong hệ thống của doanh nghiệp nhập khẩu như kho, tàu bè thì quản lý rất tốt, không phát hiện vi phạm. Khâu quản lý chất lượng xăng tại các doanh nghiệp đầu mối có thể hoàn toàn yên tâm. Ở các bồn chứa của doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp kiểm tra thường xuyên, có mẫu lưu, ghi rõ ngày giờ và có phòng thí nghiệm để kiểm tra các mẫu hàng.

“Việc gian lận trong chất lượng xăng dầu có thể xuất phát ở khâu vận chuyển từ kho của các doanh nghiệp đầu mối đến các tổng đại lý, đại lý,” ông Kiên nhận định.

Dẫn chứng cho vấn đề này, ông Kiên cho biết thêm, hiện nay cả nước có khoảng 13.000 cửa hàng xăng dầu, trong đó các cửa hàng trong hệ thống của các doanh nghiệp đầu mối chỉ trên 3.000 (chiếm 25-30%), còn lại là cửa hàng đại lý, tổng đại lý chiếm khoảng 75%.

Theo đánh giá của ông Kiên, hệ thống đại lý hiện chưa vận hành đúng Nghị định 84 bởi Nghị định quy định mỗi đại lý, tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng với một đầu mối nhưng hiện nay, khi vận hành họ vẫn tìm cách ký với nhiều đơn vị và không thể kiểm soát. Như vậy, xăng dầu nằm trong kho thì không thể phân định được của đầu mối nào kém chất lượng để xử lý. Bên cạnh đó, nếu phát hiện cũng chưa có chế tài xử lý.

“Đại lý có thể lách dưới nhiều hình thức như một chủ lập ra nhiều công ty để ký hợp đồng với các doanh nghiệp khác nhau, rồi gom lại đổ chung vào với nhau. Vì vậy, việc kiểm soát chất lượng xăng dầu phải tiến hành từ kiểm soát hoạt động của hệ thống đại lý,” ông Kiên khẳng định./.

Phương Hoa (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục