Học nghề để ở lại Australia: Không dễ dàng

Các trường đại học Australia muốn loại bỏ yếu tố cơ hội xin cấp chứng nhận thường trú dài hạn (PR) trong thị trường dịch vụ du học.
Các trường đại học ở Australia đang vận động Chính phủ nước này chấn chỉnh lại các quy định về đào tạo nghề nhằm loại bỏ yếu tố cơ hội xin cấp chứng nhận thường trú dài hạn (PR) trong thị trường dịch vụ du học để giữ uy tín cho ngành giáo dục.

Giám đốc điều hành Hiệp hội các trường đại học Australia (UA) Glenn Withers cho biết hiện đang có lo ngại rằng các mục tiêu xin giấy chứng nhận thường trú dài hạn đang lấn át những mục đích học tập trong những lĩnh vực và UA đang kêu gọi có những tiêu chuẩn nhập cư chú trọng vào các kỹ năng giỏi cũng như chất lượng giáo dục.

Tiến sĩ Glenn Withers nói với tờ ''Người Australia'' rằng một sự chú trọng như vậy cũng cần thiết cho các mục tiêu mang lại những lợi ích quốc gia lâu dài và ngăn chặn các đơn xin học mang tính cơ hội trong một số lĩnh vực của giáo dục đại học.

Trong bản báo cáo trả lời một cuộc điều tra của Thượng viện Australia, UA cho rằng chính những sinh viên đang tìm kiếm con đường nhanh nhất và rẻ nhất để có giấy chứng nhận thường trú dài hạn là nguyên nhân gây ra sự gian dối trong ngành kinh doanh giáo dục. Không những thế, ''con đường giá rẻ và bất chính này'' lại được một số đại lý và cơ quan giáo dục nước ngoài khuyến khích và thúc đẩy.

Năm 2006, Australia đã công bố một kế hoạch cải cách nhằm cho phép Bộ Di trú và Công dân có quyền từ chối giải quyết các đơn xin thị thực nhập cảnh (visa) từ những đại lý không đăng ký với nhà chức trách Australia, bất kể những đại lý này có phải là công dân Australia hay không. Tuy nhiên, không hiểu vì sao mà kế hoạch này vẫn chưa được thực thi. Hơn nữa, kế hoạch đó cũng không áp dụng cho các thị thực du học tạm thời.

Trong khi đó, bà Maurene Horder, Giám đốc điều hành Viện Di trú Australia - một tổ chức chuyên tư vấn nhập cảnh vào Australia, cho biết mặc dù Australia hiện có một bộ quy tắc ứng xử mang tính tự nguyện cho các đại lý giáo dục, nhưng điều đó cũng không ngăn chặn được ''hành vi bất lương''.

Trong đơn trình bày lên cuộc điều tra của Thượng viện, Hội đồng Giáo dục và Đào tạo Tư nhân Australia (ACPET) đã hối thúc Chính phủ nước này hủy bỏ việc yêu cầu các sinh viên học nghề hoàn tất 900 giờ thực hành làm việc thì mới có thể xin được giấy chứng nhận thường trú lâu dài.

ACPET cho rằng quy định này dễ bị lợi dụng và đề nghị mở rộng việc sử dụng thị thực du học tạm thời mang mã số 485, trong đó yêu cầu sinh viên chứng minh 12 tháng kinh nghiệm làm việc bằng các phiếu trả lương và những bằng chứng rõ ràng khác.

Ngoài ra, rất nhiều kiến nghị gửi lên cuộc điều tra còn kêu gọi Chính phủ Australia tăng mức thu nhập 12.000 AUD/năm mà sinh viên phải trình ra vì cho rằng rất nhiều sinh viên đến nước này nhưng không có đủ tiền và phải làm việc quá mức quy định 20 giờ/tuần. Quy định về mức tiền nói trên đã không được thay đổi kể từ năm 2001 và nhiều sinh viên tưởng nhầm đó là tiêu chuẩn chính xác của các chi phí sinh hoạt.

Theo tiến sĩ Glenn Withers, khi không có đủ những dàn xếp hỗ trợ tài chính thích hợp, các sinh viên có thể phải đi làm nhiều hơn so với mức thích hợp để học tập có hiệu quả và có thể phải sống tại những nơi dưới mức tiêu chuẩn ở cách xa nơi cung cấp dịch vụ du học.

Trước thực trạng này, Bộ Di trú và Công dân Australia đã thành lập một ''đội đặc nhiệm cấp cao'' nhằm bảo đảm tính liêm chính của các chương trình thị thực sinh viên, trong đó có việc tạm thời tăng số lượng các sinh viên phải qua vòng phỏng vấn khi nộp đơn xin du học ở nước này.

Trong khi đó, Chính phủ Australia mới đây đã quyết định loại bỏ một số ngành nghề trong danh mục cách ngành ưu tiên cấp giấy chứng nhận thường trú dài hạn, bao gồm thợ hàn, thợ lắp ống nước, thợ mộc... Quyết định này được cho là sẽ gây khó khăn đối với khoảng 40.000 sinh viên quốc tế học nghề tại Australia và có ý định muốn xin việc, thường trú lâu dài tại quốc gia này./.
Ngọc Quang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục