Nếu bầu cử Mỹ tổ chức ở châu Âu, Obama tất thắng

Trưng cầu do Quỹ Marshall tổ chức cho thấy người dân châu Âu dù không còn háo hức với Obama, song vẫn muốn ông làm Tổng thống Mỹ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama không còn tạo ra sự háo hức ở châu Âu như đã từng, nhưng ông vẫn được ưu ái hơn so với người thách thức, ứng viên Cộng hòa Mitt Romney. Cuộc thăm dò dư luận của Quỹ Marshall (Đức) ở châu Âu cho thấy, người dân tại đây ủng hộ ông Obama mạnh mẽ với tỉ lệ lên tới 75%, trong khi ông Romney chỉ có 8%. Trong khi ở Mỹ chủ đề kinh tế được nhấn mạnh, tại châu Âu, ông Obama được lòng người dân vì quyết định rút quân khỏi Iraq và kế hoạch cải cách hệ thống phúc lợi, gần với các nhà nước phúc lợi ở châu Âu. Tuy nhiên, ông mất điểm vì bế tắc của xung đột Israel-Palestine và thất bại trong việc đóng cửa nhà tù Guantanamo. Một số thành quả của ông, như việc tiêu diệt Osama bin Laden, cũng được đánh giá cao ở Mỹ hơn so với ở châu Âu. Bất chấp những điều đó, ông Obama vẫn là “điều gần gũi nhất (ở Mỹ) với một người dân chủ xã hội” vốn đang thắng thế tại châu Âu, theo lời Jan Techau, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Carnegie châu Âu. Ngược lại, ông Romney còn khá vô danh và dân châu Âu mới chỉ thấy ông ấy trực tiếp lần đầu trong chuyến công du hồi tháng 7, họ không đảm bảo rằng ông sẽ là “một lựa chọn an toàn”. Xuất thân của ông là một nhà tài phiệt lớn và quan điểm kinh tế quá thiên về tự do thị trường cũng khiến ông gặp khó khăn trong mắt người châu Âu đã cáo buộc các ngân hàng và định chế tài chính gây ra cuộc suy thoái toàn cầu. Thêm vào đó, ông có quá nhiều điểm chung với những người bảo thủ cực hữu dưới thời tổng thống George W. Bush, người luôn liên hệ với chiến tranh Iraq và sự dọa nạt của Mỹ với các nước đồng minh, “hoặc theo tôi, hoặc chống lại tôi”.

Nếu bầu cử Mỹ tổ chức ở Châu Âu, Obama chắc thắng (Nguồn: AFP)
Một điều khác cũng làm người châu Âu bận tâm là Washington đã nói rõ sẽ chuyển trọng tâm chính sách đối ngoại sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương và “quay lưng lại với châu Âu”, theo lời Steven Blockmans thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu. “Hai bờ Đại Tây Dương đang mất đi sự quan tâm chiến lược với nhau cũng như tăng cường mức độ hợp tác và chia sẻ những điều hai bên cùng quan tâm”, Ulrike Guerot thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu, phân tích. Những nhà bình luận khác cho rằng Mỹ không thể coi thường các sự kiện ở châu Âu, nhất là các vấn đề kinh tế. “Dù cho kết quả cuộc bầu cử tổng thống này có thế nào, cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro sẽ là mối bận tâm lớn với Mỹ”, Clara Marina O'Donnell thuộc Trung tâm cải cách châu Âu của Viện Brookings, viết trong một bài báo gần đây. Ông Obama và các quan chức của ông đã xác định rằng cuộc khủng hoảng nợ là “nỗi thất vọng lớn của họ với châu Âu. Với họ, các định chế của EU (Liên minh châu Âu) đã không thể giải quyết được vấn đề”, O'Donnell viết. Tổng thống Mỹ cho rằng các biện pháp thắt lưng buộc bụng là không đủ và châu Âu cần tìm ra con đường tăng trưởng bằng cách giúp đỡ những nước đang gặp khó khăn. Nhưng ông Romney có quan điểm cứng rắn hơn, cho rằng chính phủ không nên can thiệp./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục