Năng động, nhiệt huyết-điểm cộng cho tân cử nhân

Năng động, nhiệt huyết-"điểm cộng" cho tân cử nhân

Các nhà tuyển dụng thường đánh giá cao sự năng động, nhiệt tình của các ứng viên và đây rõ ràng là điểm mạnh của các tân cử nhân.
“Ưu điểm lớn nhất của sinh viên, tân cử nhân là nhiệt huyết, thái độ tích cực. Đây là hai điểm rất quan trọng trong tuyển dụng, là thế mạnh, điểm cộng cho các bạn,” bà Phạm Thị Thu Hiền, Trưởng bộ phận Nguồn nhân lực, Ngân hàng Quốc tế VIB nói.
Ngoài tấm bằng, doanh nghiệp cần gì?
Theo bà Hiền, do đánh giá rất cao những ưu điểm này của sinh viên nên VIB đã tham gia chương trình Siêu thị việc làm do câu lạc bộ Nguồn nhân lực, thuộc Đoàn trường Đại học Ngoại thương tổ chức hàng năm. Một sinh viên bằng giỏi đôi khi thường nghĩ mình có kiến thức tốt. Tuy nhiên, bằng giỏi chưa đủ. Các bạn cần có tinh thần cầu thị, học hỏi vì hạn chế lớn nhất của các tân cử nhân là có kiến thức khái quát, tổng quan nhưng thiếu kiến thức chuyên sâu. Tuy nhiên, VIB có chương trình đào tạo cho nhân viên mới, từ khi thử việc đến các cấp độ cao hơn. “Chấm điểm” cao yếu tố tinh thần cũng là quan điểm tuyển dụng của Ngân hàng Hàng hải Việt Nam Maritimebank. Theo ông Lê Việt Hưng, chuyên viên tuyển dụng của Ngân hàng này, sinh viên ngày nay đã khác so với thế hệ trước, các bạn chủ động, tự tin và thực tế hơn. “Chưa có kinh nghiệm, làm sẽ có. Kiến thức chuyên môn chưa sâu, chúng tôi có thể đào tạo. Điều quan trọng là các bạn có sức trẻ, có nhiệt huyết và năng động,” ông Hưng chia sẻ. Theo ông Hưng, Maritimebank có hẳn một trung tâm riêng chuyên phụ trách vấn đề đào tạo nhân lực theo hướng thiếu gì, đào tạo nấy. Vì thế, các tân cử nhân không nên quá lo lắng việc mình thiếu kinh nghiệm, ít thực tế. Điều quan trọng là họ phải có mục đích, định hướng rõ ràng mình muốn gì, và hoạch định được lộ trình phát triển cho bản thân. Nhìn ở góc độ khác, đại diện bộ phận tuyển dụng công ty Panasonic cho rằng, sinh viên mới ra trường có nhiều lợi thế riêng. Nhưng khi ngồi trên giảng đường, họ mới chú ý đến học kiến thức nên khi phỏng vấn, thường sinh viên thiếu các yếu tố ngoài bằng tốt nghiệp như kiến thức xã hội, kỹ năng sống như giao tiếp, ứng xử… Câu hỏi “hóc” nhất: Lương bao nhiêu? Nguyễn Thị Thu Thủy, sinh viên Đại học Hà Nội chia sẻ, câu hỏi khó nhất khi tham gia phỏng vấn là “Bạn đề nghị mức lương bao nhiêu?”. “Em đã từng gặp câu hỏi này và không biết phải trả lời thế nào. Nếu đưa ra mức lương cao, sợ doanh nghiệp cho rằng mình kiêu. Nhưng đưa ra mức lương thấp, e rằng doanh nghiệp sẽ đánh giá mình thấp,” Thủy chia sẻ. Đây cũng là băn khoăn của bạn Đào Thu Hằng, sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân. “Chúng em chưa đi làm nên không biết lương các doanh nghiệp trả thế nào để thỏa thuận,” Hằng phân trần. Theo bà Phạm Thị Thu Hiền, đây đúng là câu hỏi “xương” đối với ứng viên. Với nhiều năm kinh nghiệm tuyển dụng nhân sự cho công ty, bà Huyền cho rằng, khi nhà tuyển dụng hỏi đến vấn đề lương thì nghĩa là họ đã có ý định tuyển bạn vào làm. Câu hỏi này thực chất không đặt nặng vấn đề tiền bạc mà muốn xem khả năng ứng xử của người được phỏng vấn. Tuy nhiên, ứng viên thường mơ hồ trong đánh giá bản thân để có thể thương lượng. Do đó, các bạn có thể đưa ra mức lương cao hoặc dè dặt đề nghị một mức thấp. Khi hỏi tại sao lại đưa ra mức lương đó thì ứng viên không trả lời được. Chuyên gia tuyển dụng này “bật mí”, cách trả lời khôn khéo nhất là nên tránh đưa ra một con số cụ thể. Chẳng hạn, ứng viên có thể hỏi ngược lại nhà tuyển dụng là “Công ty đề nghị mức lương như thế nào?”, hoặc “Tôi sẽ suy nghĩ thêm dựa trên công việc”… Khi buộc phải đưa ra một con số thì đừng sợ hớ, vì không một công ty nào muốn mất người làm được việc để rồi lại phải đi tuyển. Khi khẳng định được năng lực bản thân thì doanh nghiệp sẽ trả lương xứng đáng. Cũng theo bà Hiền, VIB đã từng nâng mức lương gấp đôi, từ 3,5 triệu lên 7 triệu/tháng cho nhân viên chỉ sau một tháng. "Điều quan trọng là bạn phải làm đã, người ta mới có cái để đánh giá," bà Hiền nói./.
Thương thảo mức lương chỉ là một trong nhiều kỹ năng mà các sinh viên, tân cử nhân đã được các nhà tuyển dụng "mách nước" tại chương trình Siêu thị việc làm được tổ chức ngày 15/5/2011, tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ, Hà Nội. Có tới 50 doanh nghiệp với hàng trăm vị trí tuyển dụng và hàng nghìn sinh viên đã tham gia.

Siêu thị việc làm là một hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình Festival tuyển dụng dành cho sinh viên, cử nhân khối ngành kinh tê lần thứ V. Đây là chương trình diễn ra thường niên, bắt đầu từ năm 2006, do Câu lạc bộ Nguồn nhân lực, Đại học Ngoại thương phối hợp với 7 trường đại học khối ngành kinh tế trên địa bàn Hà Nội tổ chức.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thọ, Phó hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương, Siêu thị việc làm nhằm tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với nhà tuyển dụng, hiểu được nhu cầu của họ. Ngược lại, nhà tuyển dụng cũng có cơ hội tuyển được những nhân viên chất lượng. “Không phải sinh viên nào đến đây cũng tìm được việc nhưng tôi tin qua đây, cac em sẽ học hỏi được nhiều kỹ năng liên quan như phỏng vấn, làm hồ sơ, test tuyển dụng…,” ông Thọ nói./.
Phạm Mai/Vietnam+

Tin cùng chuyên mục