Cần tập trung vào chất lượng giáo dục toàn cầu

Các thành viên Hội đồng Kinh tế xã hội Liên hợp quốc nhất trí cần phải cải thiện chất lượng giáo dục, thúc đẩy sáng tạo của con người.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 28/4, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, đại diện các nước thành viên Liên hợp quốc dự cuộc họp chuẩn bị cho Hội nghị bộ trưởng hàng năm duyệt xét chính sách kinh tế xã hội của Hội đồng Kinh tế xã hội Liên hợp quốc (Ecosoc) đã nhất trí khẳng định cần phải chuyển các trọng tâm ưu tiên trong giáo dục toàn cầu từ quyền được tiếp cận giáo dục sang cải thiện chất lượng giáo dục và thúc đẩy năng lực sáng tạo của con người.

Các đại biểu dự họp nhấn mạnh những trọng tâm ưu tiên này của giáo dục toàn cầu cần là tiêu điểm chủ chốt của Hội nghị Ecosoc kiểm điểm thực hiện các cam kết và mục tiêu quốc tế về giáo dục vào cuối năm 2011.

Chủ tịch Ecosoc, Lazarous Kapambwe, lưu ý rằng trong khi các cản trở về chính trị, kinh tế, xã hội và tôn giáo vẫn cản trở quyền tiếp cận giáo dục của người nghèo, chính phủ các nước cần hành động mạnh mẽ hơn để đảm bảo các cơ hội tiếp cận tri thức và giáo dục bình đẳng, tập trung vào những phát triển mang tính đổi mới và sáng tạo, tuyển dụng và đào tạo các giáo viên có trình độ cao để thúc đẩy một nền giáo dục quốc gia và toàn cầu có chất lượng cao và thúc đẩy sáng tạo.

Đại diện Ecosoc ở các khu vực trên toàn cầu nhất trí cho rằng giáo dục không chỉ là quyền của con người mà còn là công cụ xoá đói nghèo, thực hiện các mục tiêu phát triển về y tế và thúc đẩy nền kinh tế xanh.

Trong khi chuyển trọng tâm ưu tiên của giáo dục từ quyền tiếp cận sang cải thiện chất lượng và nâng cao năng lực sáng tạo của con người, các nước cần tiếp tục đảm bảo một nền giáo dục bình đẳng giữa người giàu và người nghèo, giữa nam và nữ và giữa các tôn giáo, áp dụng đường lối giáo dục đòi hỏi tư duy sáng tạo cũng như thúc đẩy các quan hệ đối tác giữa giáo dục với các tổ chức xã hội, giới học thuật và khu vực tư nhân.

Bên cạnh đó, giáo sư Sakiko Fukuda-Parr, thuộc Ủy ban Chính sách phát triển của Liên hợp quốc nhấn mạnh 2 thách thức quan trọng đối với nền giáo dục toàn cầu có chất lượng và sáng tạo. Một là cuộc khủng hoảng tri thức đang xuất hiện, hai là các hệ thống giáo dục ngày càng không tương xứng với các nhu cầu của nền kinh tế quốc dân.

Bà Sakiko Fukuda-Parr kêu gọi các nước tăng cường hệ thống giám sát các mục tiêu chất lượng giáo dục trong bối cảnh mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về giáo dục đặt nặng vấn đề số lượng hơn chất lượng giáo dục. Cộng đồng quốc tế cần năng lực sáng tạo không chỉ trong hoạch định chính sách mà còn cả trong xây dựng các quan hệ đối tác. Các chính phủ, giới học thuật và các tổ chức dân sự cần tăng cường vai trò của họ để thúc đẩy một nền giáo dục chất lượng và khuyến khích năng lực sáng tạo của con người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục