Làm tổn hại nước Mỹ

Binh nhì Manning xin lỗi vì đã làm tổn hại nước Mỹ

Binh nhì Bradley Manning đã lên tiếng xin lỗi vì tuồn tin cho WikiLeaks và lần đầu tiên thừa nhận anh đã gây tổn hại cho nước Mỹ.

Binh nhì của quân đội Mỹ Bradley Manning ngày 14/8 đã lên tiếng xin lỗi vì những rò rỉ thông tin tình báo của anh cho trang mạng WikiLeaks và lần đầu tiên thừa nhận anh đã gây tổn hại cho đất nước mình.

“Tôi xin lỗi vì những hành vi của mình đã gây tổn hại cho người dân và cho nước Mỹ,” anh nói với thẩm phán quân đội Mỹ, đại tá Denise Lind, trong một phiên điều trần trước tuyên án ở căn cứ Fort Meade, Đông Bắc Washington. Manning, bị truy tố tháng trước vì hoạt động tình báo do việc anh tuồn rất nhiều báo cáo chiến trường và công hàm ngoại giao được xếp loại mật của Mỹ cho WikiLeaks, nói anh sẵn sàng đối mặt với những hình phạt cho hành vi của mình.
[Manning có thể được giảm án còn 90 năm tù giam]
“Tôi muốn tiến lên phía trước,” anh nói. “Tôi hiểu mình phải trả giá.” Người lính 25 tuổi này có thể đối mặt 90 năm tù giam vì các tội anh bị cáo buộc, bao gồm hoạt động gián điệp và lừa đảo qua máy tính. Anh đã được xóa cáo buộc nghiêm trọng nhất, cố tình giúp đỡ kẻ thù, vốn có thể phải lãnh mức án chung thân không ân xá. Tuyên bố đáng chú ý này ở tòa đánh dấu lần đầu tiên Manning bày tỏ hối tiếc vì vụ tuồn tài liệu, vụ lớn nhất lịch sử Mỹ. Vốn là cựu nhân viên phân tích tình báo cấp thấp, anh từng là người hùng với những người ủng hộ anh vì coi Manning là người đã vén lên bức màn bí mật về chính sách ngoại giao của Mỹ.
Đề nghị trao Nobel Hòa bình cho Manning
Hơn 100.000 người đã ký một kiến nghị kêu gọi đề cử anh cho giải Nobel hòa bình. Nhưng chính phủ Mỹ coi Manning là một kẻ phản bội đã khiến những đồng đội và đất nước rơi vào nguy hiểm khi anh trao hơn 700.000 tài liệu mật cho trang web chuyên tiết lộ tin tức mật WikiLeaks khi Manning còn hoạt động ở Iraq. Đội ngũ luật sư bên bị tranh luận rằng anh ngây thơ, nhưng có ý định rõ ràng với hy vọng làm dấy lên một cuộc tranh luận trong công chúng về cách hành xử của các nhà ngoại giao và quân đội Mỹ ở nước ngoài. “Bradley rõ ràng là một người có trái tim tốt và anh nghĩ về các bạn… dư luận Mỹ,” luật sư bên bị David Coombs nói ngày thứ Tư. “Mục tiêu của anh ấy là khiến thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn.” Bên bị cũng cho rằng những cấp trên của Manning đã nhiều lần phớt lờ những dấu hiệu trầm cảm của anh và lẽ ra không nên bao giờ phân anh đi làm nhiệm vụ ở Iraq hay các nhiệm vụ liên quan tới giữ bí mật. Manning bị rối loạn giới tính Trong buổi điều trần ngày thứ Tư, chị gái của Manning, Casey Major và một người dì Debra van Alstyne đã kể về thời thơ ấu nhiều bất hạnh của anh, khi Manning thường xuyên bị bỏ ở nhà một mình do cả bố mẹ anh đều nghiện rượu. Họ mô tả mẹ anh là một người “rất xấu tính” và có khuynh hướng tự sát. Manning thường bị bỏ một mình trong căn nhà của họ ở vùng nông thôn tại Oklahoma và ăn đồ ăn sẵn cho trẻ em tới tận năm 12 tuổi. “Thật ngạc nhiên là nó đã trưởng thành đến thế. Tôi chỉ mong nó có thể trở thành người nó muốn, một người hạnh phúc,” chị anh nói. Trước phiên điều trần tuyên án, các chuyên gia đã xác nhận Manning gặp nhiều vấn đề về tâm lý do anh vật lộn với việc xác định xu hướng giới tính của mình trong một môi trường quân đội “đầy thù địch.” “Ở trong quân đội và có vấn đề về giới tính sẽ khiến bạc gặp rắc rối,” đại úy Michael Worsley, một chuyên gia tâm thần của quân đội, nói trước tòa. “Vào thời điểm đó, quân đội chưa hẳn là thân thiện với cộng đồng những người đồng tính.”

Worsley chẩn đoáng Manning mắc một chức rối loạn nhân cách, dẫn tới “rối loạn định dạng giới tính” và nói binh sĩ này hẳn đã phải sống trong tình trạng khốn khổ về tinh thần trong thế giới khắc nghiệt của quân đội. “Áp lực hẳn phải là rất lớn trong hầu hết các môi trường công khai sự thù địch”, bác sĩ Worsley nói trước tòa, dẫn tới việc Manning “rất khắt khe với bản thân mình. Anh ta chưa bao giờ cảm thấy mình đủ tốt”. Một nhân chứng khác của bên bị, David Moulton, một nhà tâm thần học và chuyên gia khoa học hình sự của quân đội, nói Manning phải đối mặt với “sức ép khủng khiếp” lúc bấy giờ. “Anh ấy chịu những sức ép lớn về cảm xúc” khi bắt đầu “xem xét việc sẽ sống như một phụ nữ”, ông Moulton nói./.
Chu Hương

Tin cùng chuyên mục