Khôi phục sau 6 tháng

Triều Tiên có thể khôi phục lò phản ứng sau 6 tháng

Trong vòng sáu tháng tới, Triều Tiên có thể tái khởi động lò phản ứng sản xuất plutoni vốn đã bị bỏ xó nếu họ quyết tâm thực hiện.
Theo Reuters, trong sáu tháng tới, Triều Tiên có thể tái khởi động lò phản ứng sản xuất plutoni vốn đã bị bỏ xó nếu họ quyết tâm thực hiện và chiếc lò này không bị hỏng hóc về mặt kết cấu.

Tuy nhiên, nước này phải mất vài năm để có thể sản xuất đủ nguyên liệu để chế tạo một quả bom hạt nhân mới.

Ngày 2/4, Bình Nhưỡng tuyên bố rằng họ sẽ khôi phục lò phản ứng hạt nhân Yongbyon cũ kỹ có công suất 5 megawatt dùng để sản xuất plutoni phục vụ chế tạo bom hạt nhân và nhấn mạnh rằng họ đang tìm kiếm một vũ khí có khả năng răn đe.

Một số chuyên gia hạt nhân biết rõ chương trình của Triều Tiên cho rằng nước này sẽ mất khoảng nửa năm để khôi phục hoạt động của lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu Yongbyon, với điều kiện lò phản ứng này không bị hỏng hóc đáng kể nào.

Quyết định tái khởi động lò phản ứng trên là động thái mới nhất trong cuộc khủng hoảng leo thang nổ ra sau khi Liên hợp quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân lần thứ ba hồi tháng 2, và sau các cuộc tập trận quân sự của Mỹ và Hàn Quốc mà Triều Tiên coi là "hoạt động thù địch."

[Triều Tiên bắt đầu xây dựng ở lò phản ứng Yongbyon]

Lò phản ứng Yongbyon đã ngừng hoạt động trong nhiều năm. Tuy nhiên, theo Siegfried Hecker, nhà nghiên cứu hạt nhân làm việc tại Đại học Stanford - được cho là người phương Tây cuối cùng đến thăm tổ hợp hạt nhân Yongbyon, cho biết lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Yongbyon đã ngưng hoạt động từ tháng 7/2007.

Trong bài phỏng vấn hôm 2/4 được phát trên trang mạng trường Đại học Stanford, Hecker nhận định: "Nếu họ tái khởi động lò phản ứng Yongbyon, mà tôi ước tính sẽ mất ít nhất sáu tháng, thì họ có thể sản xuất được khoảng sáu kilogram plutoni mỗi năm (đủ chế tạo một quả bom hạt nhân)."

Ông cho rằng Triều Tiên sẽ mất khoảng ba đến bốn năm trước khi họ có thể sản xuất được thêm 12 kilogram plutoni, số nhiên liệu đủ để chế tạo thêm hai quả bom nữa.

Các hình ảnh từ vệ tinh của trang mạng chuyên theo dõi và phân tích tình hình Triều Tiên 38North cho thấy hoạt động xây dựng mới ở khu vực lò phản ứng diễn ra từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 3.

Các hình ảnh cho thấy hoạt động xây dựng đã bắt đầu dọc theo đoạn đường tới phía sau của lò phản ứng này. Các nhà ngoại giao và quan chức Liên hợp quốc cho biết đất nước bị cô lập Triều Tiên vẫn đôi lúc cho phép các chuyên gia hạt nhân như Hecker đến thăm, chủ yếu là để cho họ tin rằng khả năng hạt nhân của nước này không phải là viễn tưởng.

Hecker cho biết lần cuối cùng ông tới thăm Triều Tiên vào năm 2010. Ông ước tính nước này đã dự trữ khoảng 24 đến 42 kilogram plutoni, đủ chế tạo bốn tới tám quả bom hạt nhân.

Nếu vụ thử hạt nhân hồi tháng 2 vừa qua của nước này cũng sử dụng plutoni - mặc dù chưa được biết rõ - thì kho dự trữ đó có thể đã giảm mất khoảng năm đến sáu kilogram. Triều Tiên đã nhiều lần đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công Mỹ và các căn cứ của Mỹ ở Hàn Quốc.

Tuy nhiên, Hecker cho biết ông vẫn nghi ngờ về khả năng tấn công của Bình Nhưỡng vào các mục tiêu của Mỹ hay lãnh thổ Hàn Quốc.

[Căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên đã "đi quá xa"]

Olli Heinonen, từng là thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), hiện đang nghiên cứu tại Đại học Harvard, phát biểu với hãng tin Reuters rằng ông cũng có những dự đoán tương tự, mặc dù cho rằng rất có khả năng Triều Tiên sẽ đưa lò phản ứng này hoạt động trở lại trong vòng chưa đầy sáu tháng tới. Heinonen nói: "Chúng tôi không rõ công việc chuẩn bị bước đầu của họ đã thực hiện đến đâu."

Cả hai chuyên gia Hecker và Heinonen đều cho rằng Triều Tiên gần như có thể tái khởi động lò phản ứng mà không cần bất cứ sự trợ giúp bên ngoài nào bất chấp các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc và Mỹ và các biện pháp khác nhằm hạn chế khả năng nước này mua sắm công nghệ hạt nhân và tên lửa.

Một quan chức Mỹ yêu cầu giấu tên cũng bày tỏ đồng tình với Hecker và Heinonen. Ông nói: "Ý định đưa lò phản ứng Yongbyon hoạt động trở lại không dễ hủy bỏ."

Tuy nhiên, Mark Fitzpatrick thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London cho rằng rất có khả năng lò phản ứng Yongbyon chưa thể đưa vào hoạt động vì một lý do nào đó.

Ông nói: "Đối với tôi, việc tại sao họ không tiến hành khởi động lò phản ứng trước đây vẫn là một bí ẩn. Câu trả lời logic nhất chính là họ không thể làm được. Tuy nhiên, hiện chưa thể chắc chắn điều gì cả."

Fitzpatrick cho rằng nếu lò phản ứng này được đưa vào hoạt động, thì khoảng thời gian nửa năm để tái khởi động nó là hợp lý.

Triều Tiên cũng đang đối mặt với những thách thức về mặt kỹ thuật. Vào năm 2008, họ đã phá hủy tháp làm mát của lò phản ứng Yongbyon như một bước tiến tạo lòng tin trong các cuộc đàm phán đa phương do Mỹ chủ trì với mục đích giảm bớt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Chuyên gia Heinonen cho rằng Triều Tiên phải xây dựng một tháp làm mát mới hoặc xây dựng một hệ thống làm mát dưới lòng đất, như hệ thống chưa hoàn thiện tại Syria bị Israel đánh bom hồi năm 2007.

Nguồn tin tình báo phương Tây cho biết Triều Tiên đã giúp xây dựng lò phản ứng hạt nhân ở Syria song Tổng thống Bashar al-Assad lên tiếng đây không phải là lò phản ứng hạt nhân.

David Albright, Giám đốc Viện Khoa học và An ninh Quốc tế có trụ sở tại Washington, người đã từng gặp gỡ các nhà khoa học hạt nhân ở Bình Nhưỡng năm 2011, cho rằng không nên đánh giá thấp khả năng hạt nhân của Triều Tiên hay quyết tâm thực hiện lời hứa của họ.

Ông nói: "Triều Tiên đã từng nói họ muốn nâng cao chất lượng vũ khí hạt nhân và có thể họ sẽ thực hiện điều đó"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục