LHQ khẳng định thành công việc cấm vũ khí hóa học

Các nước thành viên Liên hợp quốc đã khẳng định thành công của Công ước cấm phát triển, sản xuất và tàng trữ vũ khí hoá học.
Thảo luận chủ đề vũ khí giết người hàng loạt tại Ủy ban Giải trừ quân bị và An ninh quốc tế của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 64 ngày 19/10, các nước thành viên Liên hợp quốc đã khẳng định thành công của Công ước cấm phát triển, sản xuất và tàng trữ vũ khí hoá học (CWC).

Các thành viên Liên hợp quốc nhấn mạnh thành công này có được nhờ những nỗ lực phối hợp toàn cầu với mục tiêu rõ ràng, đối thoại xây dựng, ý chí chính trị và tinh thần đồng thuận.

Tổng Giám đốc Tổ chức cấm vũ khí hoá học (OPCW) Rogelio Pfirter nêu rõ lệnh cấm vũ khí hóa học đã có lịch sử một thập kỷ thành công, cho thấy nhân loại có thể thành công trong việc cấm các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác như vũ khí sinh học.

Thành công của Công ước cấm vũ khí hóa học xuất phát từ các nhân tố như số nước tham gia đông đảo (188/192 nước thành viên Liên hợp quốc), chế độ không phổ biến và thanh tra công nghiệp hiệu quả và được tôn trọng, đồng thời kết hợp với thực tế hơn 50 tổng số vũ khí hóa học tàng trữ đã bị phá hủy trong 12 năm khi Công ước có hiệu lực. Tuy nhiên, vẫn còn 5.576 phương tiện vũ khí hóa học cần phải được thanh tra, đồng thời vẫn cần tăng cường chế độ kiểm chứng để đảm bảo niềm tin của các nước thành viên của công ước.

Đại diện các nước đã hoan nghênh thành công của Công ước cấm vũ khí hóa học, coi thành công này là "thành tựu đa phương quan trọng" mặc dù tiến trình phá huỷ 47 % số vũ khí hoá học còn tàng trữ với thời hạn cuối cùng là năm 2012 vẫn là mục tiêu then chốt gắn liền với việc ngăn chặn việc phát triển trong tương lai các loại vũ khí hoá học mới.

Đại diện các nước cũng nhấn mạnh lo ngại về việc các tổ chức khủng bố có thể tìm cách sở hữu vũ khí hóa học cũng như các loại vũ khí giết người hàng loạt khác, vì vậy, tất cả các nước phải tôn trọng đầy đủ các điều khoản của Công ước cấm vũ khí hóa học.

Việt Nam là một trong những nước đầu tiên tham gia ký kết và đã trở thành thành viên chính thức của Công ước cấm vũ khí hóa học từ ngày 30/10/1998./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục