FDI vào Ấn Độ tăng hơn 300% so với năm trước

Theo Bộ Thương mại Ấn Độ, luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào nước này trong tháng 6 tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2010.
Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Ấn Độ trong tháng 6/2011 tăng tới hơn 300% so với cùng kỳ năm 2010, đạt 5,65 tỷ USD, mức hàng tháng cao nhất lần thứ hai trong vòng 11 năm qua.

Con số này đã khẳng định xu hướng phục hồi của nhu cầu đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế lớn thứ ba châu Á.

Trong tài khóa trước (kết thúc vào tháng 3/2011), vốn FDI vào Ấn Độ giảm 25% xuống 19,43 tỷ USD, do môi trường kinh tế toàn cầu bất ổn sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008.

Nhà đầu tư có phần né tránh Ấn Độ, cho dù tốc độ tăng trưởng kinh tế nước này đạt trên 8%, do họ lo ngại về tình trạng tham nhũng, tệ quan liêu, lạm phát cao, và tâm lý chưa sẵn sàng mở cửa nền kinh tế của chính phủ nước này.

Nhưng trong thời gian từ tháng 4-6/2011, FDI vào Ấn Độ tăng 133% so với cùng kỳ năm 2010 lên 13,44 tỷ USD. Lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Ấn Độ dự kiến sẽ còn tăng khi một loạt thỏa thuận có hiệu lực, trong đó phải kể đến thương vụ BP mua cổ phần tại Reliance Industries và Vedanta có kế hoạch mua cổ phần kiểm soát tại công ty thăm dò dầu khí Cairn.

Các tập đoàn bán lẻ khổng lồ như Wal-Mart (Mỹ) và Carrefour (Pháp) cũng đang tích cực vận động Chính phủ Ấn Độ mở cửa cho các dây chuyền siêu thị nước ngoài, trong bối cảnh các thị trường ở phương Tây đã bão hòa.

Vốn đầu tư nước ngoài có ý nghĩa sống còn đối với Ấn Độ. Ấn Độ cần khoảng 1.000 tỷ USD trong 5 năm tới để nâng cấp hệ thống cảng, sân bay, đường cao tốc cùng các cơ sở hạ tầng khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hiện kinh tế Ấn Độ đang giảm tốc trong bối cảnh ngân hàng trung ương nước này liên tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát./.

Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục