Các trường "rối như canh hẹ" vì đổi giờ vào học

Ngày mai, 1/2/2012, Hà Nội bắt đầu thực hiện đổi giờ học, giờ làm, nhưng lãnh đạo nhiều trường vẫn đang lúng túng tìm cách thích nghi.
Bắt đầu từ ngày mai, 1/2/2012, Hà Nội sẽ thực hiện đổi giờ học đối với các cấp học thuộc 10 quận nội thành và hai huyện Thanh Trì, Từ Liêm. Đối tượng chịu tác động nhiều nhất là các em học sinh bậc trung học phổ thông khi phải tan trường sau 19 giờ, muộn hơn hai giờ so với trước đây. Học sinh trung học cơ sở cũng phải đến tận 12 giờ 30 phút mới kết thúc giờ học buổi sáng. Điều này đã khiến không ít phụ huynh, học sinh và ngay cả giáo viên, lãnh đạo các trường bối rối vì mọi sinh hoạt thường nhật sẽ bị đảo lộn. Vương Thiên Anh, học sinh lớp 12, quận Đống Đa, chia sẻ: “Kết thúc giờ học như thế là quá muộn. Buổi tối, em về nhà ăn xong hơn 20 giờ, không còn thời gian để ôn bài. Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là chúng em đã thi tốt nghiệp nhưng lại phải mất ít nhất nửa tháng để thích nghi với thời gian biểu mới.” Cô Bùi Thu Cúc, giáo viên trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú cho biết, ngay từ cuối tháng 12/2011, trường đã phải soạn lại thời khóa biểu để phù hợp với việc thay đổi giờ học, giờ làm của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Theo đó, thay vì bắt đầu vào học lúc 13 giờ như thường lệ, trường sẽ phải lùi lại đến 14 giờ 30 phút.  Theo cô Cúc, giờ học buổi chiều bắt đầu và tan quá muộn sẽ làm đảo lộn đồng hồ sinh học của học sinh khi phải tận 20 giờ các em mới được ăn cơm. Cùng ý kiến này, cô Đoàn Đức Hạnh, Phó hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) cho biết trường đang tính đến phương án phải có bữa ăn phụ cho các em vào lúc 18 giờ. Đang tuổi ăn tuổi lớn, nếu phải nhịn từ trưa đến tận 20 giờ là quá sức của học sinh, khiến các em không thể tiếp thu bài được. Cũng theo cô Hạnh, một trong những khó khăn nhất của ban giám hiệu trường khi thực hiện đổi giờ học ở chỗ giáo viên cũng là phụ huynh, cũng phải chăm lo gia đình. Nhưng nếu phải dạy đến tận 19 giờ thì ai sẽ đón con? Ai lo bữa tối? Làm sao để có thể cân bằng giữa công việc và gia đình? Nhà trường đã tính đến phương án sẽ bố trí ưu tiên cho những giáo viên có con nhỏ, nhưng số lượng giáo viên này rất lớn, không thể hợp lý cho tất cả. “Chúng tôi đang nghĩ có lẽ phải mở thêm nhà giữ trẻ tại trường. Khoảng 14 giờ 30, các cô tranh thủ đi đón con, sau đó đưa con về gửi tại trường để dạy tiếp đến 19 giờ,” cô Hạnh nói. Trong khi học sinh bậc trung học phổ thông bị lùi giờ học buổi chiều thì học sinh trung học cơ sở lại lùi giờ học buổi sáng, từ 8 giờ thay vì 7 giờ như trước đây. Theo đó, giờ học sẽ kết thúc vào lúc 12 giờ 30 phút. Thầy Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh cho biết, giờ tan học này quá lệch so với giờ làm của bố mẹ nên nếu không cho con học bán trú, phụ huynh sẽ khó khăn khi bố trí giờ giấc đón con. Với những em học bán trú, trường cũng phải bố trí lại giờ giấc ăn, ngủ cho các em. Thay vì ăn vào lúc 11 giờ 30 và ngủ đến 1 giờ 30 như trước đây, các em sẽ phải lùi lịch lên thêm một giờ đồng hồ nữa. Vị hiệu trưởng này cũng đang lo không biết sẽ phải giải quyết việc thuê xe đưa đón học sinh thế nào. Là một trường phổ thông đa cấp học, có cả bậc trung học phổ thông và trung học cơ sở, trước đây, giờ học của cả hai cùng vào lúc 7 giờ nên trường bố trí xe đưa đón. Tuy nhiên, nay học sinh trung học phổ thông vào từ 7 giờ, học sinh trung học cơ sở vào từ 8 giờ. Nếu bố trí hai xe riêng đưa đón thì tốn kém, nhưng nếu đi chung thì bất tiện cho học sinh, còn để học sinh tự lo thì bất tiện cho phụ huynh. “Trên đã quyết thì các trường sẽ phải cố gắng để thực hiện. Nhưng thực hiện như thế nào cho hợp lý thì có lẽ chúng tôi cũng phải từng bước để thích nghi dần,” thầy Cương nói. Đây cũng là chia sẻ của cô Đoàn Đức Hạnh. Theo cô Hạnh, việc áp dụng một lịch học hoàn toàn mới so với lịch học đã thành nếp hàng chục năm nay là không đơn giản. Vì thế, trong thời gian đầu, chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn. Cả nhà trường và học sinh đều cần ít nhất là một tuần mới có thể đi vào nề nếp. Trước những băn khoăn này của các trường, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội,  cho biết, trong những ngày đầu thực hiện, nếu có học sinh đi muộn, trường cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để học sinh sinh viên vào học, tránh tình trạng học sinh không được vào lớp vì lý do đi học muộn giờ. Nếu cha mẹ học sinh chưa kịp đón con, trường cần có biện pháp quản lý học sinh chờ gia đình đến.
Giờ học mới của các trường thuộc 10 quận nội thành và hai huyện Từ Liêm, Thanh trì (Hà Nội) áp dụng từ ngày 1/2/2012:

- Đối với cán bộ công chức công tác ở Sở, phòng giáo dục và đào tạo: Thời gian bắt đầu làm việc buổi sáng từ 8 giờ và kết thúc giờ làm việc buổi chiều là 17 giờ.

- Đối với cán bộ, giáo viên làm việc trong các trường học: Thời gian làm việc hàng ngày thực hiện theo giờ học tập của học sinh và phân công của lãnh đạo đơn vị.

- Đối với học sinh, sinh viên:

+ Học sinh các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở: Thời gian bắt đầu lớp học buổi sáng từ 8 giờ và kết thúc lớp học chiều vào 17 giờ; Các trường chủ động bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên để tiếp nhận học sinh từ 7 giờ 30 sáng và quản lý học sinh đến 17 giờ 30 hàng ngày.

+ Học sinh, sinh viên các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng: Thời gian bắt đầu học buổi sáng từ trước 7 giờ hàng ngày; kết thúc giờ học buổi chiều sau 19 giờ hàng ngày./. 
Phạm Mai - Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục