"Nàng thơ" trong Fur Elise của Beethoven là ai?

Đắm chìm trong giai điệu du dương của bản "Fur Elise" của Beethoven, nhiều người hâm mộ muốn biết nàng Elise trong bản nhạc là ai?
Đắm chìm trong giai điệu du dương của bản "Fur Elise" được sáng tác bởi nhà soạn nhạc Đức thiên tài Ludwig Van Beethoven, nhiều người hâm mộ rất muốn biết nàng Elise trong bản nhạc là ai.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Klaus Martin Kopitz tin rằng mình đã tìm ra lời giải cho câu hỏi này.

"Fur Elise" là một ví dụ hoàn hảo trong việc phổ cập hóa nhạc cổ điển tới công chúng vì tác phẩm này đã được thể hiện ở nhiều dòng nhạc, từ hard rock đến jazz, và cũng được dùng làm nhạc chuông điện thoại.

Trong khi giai điệu của nhạc phẩm này đã quá quen thuộc thì nhiều người vẫn chưa biết nàng Elise là ai. Nhà nghiên cứu âm nhạc Đức Klaus Martin Kopitz cho biết: “Trong nhiều năm, tôi đã nghiên cứu cuốn sách Beethoven trong mắt của người cùng thời với nhiều bài viết của những người từng quen biết Beethoven, các bài báo, bức thư... Trong đó, Elisabeth Roeckel là người phụ nữ được nhắc đến nhiều nhất.”

Mối quan hệ lãng mạn

Sinh năm 1793, Elisabeth Roeckel là em gái của ca sĩ Joseph Roeckel, người thể hiện nhân vật Florestan trong vở opera Fidelio do Beethoven sáng tác và sau đó trở thành người bạn thân thiết của nhà soạn nhạc.

Elisabeth Roeckel cũng là người có khả năng âm nhạc. Bà từng chơi piano và sau này trở thành ca sĩ. Bạn bè gọi bà với cái tên trìu mến là Elise. Mùa Xuân năm 1810, Elise tới Bamberg để làm việc trong nhà hát và bà hy vọng gây được ấn tượng với Hoffman, lúc đó là người điều hành nhà hát.

Theo Kopitz, Beethoven viết tặng Elise nhạc phẩm này khi hai người xa cách nhau vì bà đã tới Bamberg. Mối quan hệ thân thiết giữa Elise và Beethoven đã được chính bà ghi lại.

Ông Kopitz nhận xét: “Theo những gì bà viết thì mối quan hệ của họ từng rất thân thiết. Trong một bức thư, Elise viết về một buổi tối với Beethoven, nghệ sĩ guitar Mauro Giuliani và nhà soạn nhạc Johann Nepomuk Hummel, người sau này trở thành chồng bà. Elise nhớ lại rằng Beethoven, với bản tính hay đùa của dân vùng sông Rhine, không ngừng trêu chọc bà và Elise không biết phải làm thế nào”.

Elise đã chọn Hummel làm chồng nhưng tình bạn giữa bà và Beethoven vẫn tiếp diễn. Nhiều ngày trước khi nhà soạn nhạc qua đời vào tháng 3/1827, Elise đã tới thăm ông. Bà đã cắt một lọn tóc của ông và nhận một chiếc bút lông làm kỷ niệm.

Tuy nhiên, sau đó tại sao Elisabeth Roeckel lại là một bí ẩn đối với các nhà nghiên cứu âm nhạc trong suốt nhiều năm qua? Và tại sao bản nhạc này lại thường được cho là để dành tặng Therese Malfatti, người mà Beethoven đã cầu hôn vào năm 1810?

Bản nhạc gốc biến mất bí ẩn

Ludwig Nohl (1831-1885), một nhà “Beethoven học,” bị quy trách nhiệm về việc này. Khi phát hiện ra một bản thảo của nhạc phẩm "Fur Elise," Nohl đã cho xuất bản vào năm 1865 với lời đề tặng Therese. Nohl tuyên bố đã nhìn thấy bản thảo gốc và nói rằng nó thuộc di sản của Therese Malfatti, nhưng thực ra bản thảo đó chưa bao giờ được tìm thấy.

Tất cả những gì còn tồn tại chỉ là một bản thảo chưa hoàn chỉnh. Bản thảo này có niên đại năm 1810, khoảng thời gian mà Beethoven đính hôn với Therese Malfatti. Nếu đúng là nhạc phẩm này được biên soạn dành cho Elise thì tại sao nó lại nằm trong tay của Therese?

Kopitz thừa nhận giả thuyết của mình về vấn đề này không mang tính khoa học, nhưng ông đưa ra suy đoán rằng: “Khi Therese đến nhà vị hôn phu của mình và thấy bản thảo nhạc phẩm "Fur Elise," bà hỏi: “Elise là ai? Anh vẫn muốn cưới em chứ?” Lúc đó, Beethoven hết sức lúng túng vì ông đã soạn một nhạc phẩm cho Elise trong khi lại muốn kết hôn với Therese.”

Giả thuyết của Kopitz không nhận được sự đồng thuận từ nhiều nhà nghiên cứu. Bernhard Appel, Giám đốc Trung tâm Tư liệu Beethoven ở Bonn, nói rằng ông hoài nghi về giả thuyết của Kopitz: “Elise là một cái tên rất phổ biến ở Vienna thời đó, vì vậy sự tôn vinh này có thể dành cho bất kỳ người phụ nữ nào”.

Để chứng minh Elise là ai thì cần thiết phải làm rõ con đường mà bản thảo này đã đi qua trước khi nó biến mất./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục