Mỹ tiệm cận năm thứ 4 liên tiếp thâm 1.000 tỷ USD

Văn phòng Ngân sách của Quốc hội Mỹ (CBO) vừa dự báo nước này đang tiến tới năm thứ tư liên tiếp thâm hụt ngân sách trên 1.000 tỷ USD. Các chuyên gia ngân sách cho rằng, con số dự báo của CBO đã gióng lên những hồi chuông báo động về vấn đề nợ của Mỹ và đe dọa tới triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Văn phòng Ngân sách của Quốc hội Mỹ (CBO) vừa dự báo nước này đang tiến tới năm thứ tư liên tiếp thâm hụt ngân sách trên 1.000 tỷ USD.

Cụ thể, thâm hụt ngân sách trong tài khóa 2012 (kết thúc vào ngày 30/9/2012) sẽ chạm ngưỡng 1.079 tỷ USD, so với mức dự tính 973 tỷ USD hồi tháng 8/2011.

Nếu Quốc hội Mỹ gia hạn chương trình cắt giảm thuế cho người lao động tới hết năm 2012, thì thâm hụt ngân sách thậm chí có thể tăng thêm 100 tỷ USD vào tháng 12/2012.

Báo cáo của CBO đã mở ra các cuộc tranh luận gay gắt về quy mô phù hợp của chính phủ liên bang trong những năm sắp tới và liệu tầng lớp giàu có trong xã hội có nên gánh vác thêm những gánh nặng ngân sách cho quốc gia hay không, trong bối cảnh nợ quốc gia của Mỹ cũng đã chạm ngưỡng báo động 15.000 tỷ USD và đang tiếp tục tăng cao.

Cách tính thâm hụt ngân sách quốc gia của CBO được thực hiện dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có kịch bản tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao và một số chính sách quan trọng được Quốc hội Mỹ thông qua, như gia hạn chương trình giảm thuế cho người lao động tới hết năm 2012.

Các chuyên gia ngân sách cho rằng, con số dự báo của CBO đã gióng lên những hồi chuông báo động về vấn đề nợ của Mỹ và đe dọa tới triển vọng tăng trưởng kinh tế của nước này. Ngoài ra, sức ép đối với tình hình ngân sách của Mỹ còn có thể lớn hơn nếu chương trình cải cải tổ hệ thống chăm sóc sức khỏe do Tổng thống Obama đề xuất năm 2010 phát huy hiệu lực.

Nhiều nghị sỹ Đảng Cộng hòa gọi báo cáo của CBO là "bản cáo trạng" đối với các chính sách kinh tế sai lầm của Tổng thống Obama, đồng thời là cơ hội để Đảng Cộng hòa phản công trước thềm cuộc vận độn bầu cử Tổng thống năm 2012.

Hiện các thăm dò gần đây cho thấy số người Mỹ không hài lòng về cách thức xử lý nền kinh tế của Tổng thống Obama đang gia tăng, kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2009.

Tuy nhiên, phía Nhà Trắng ngay lập tức đã lên tiếng bảo vệ cách tiếp cận của Tổng thống Obama đối với tình trạng thâm hụt ngân sách quốc gia hiện nay, đồng thời cho rằng "di sản nợ" khổng lồ mà Mỹ đang phải gánh chịu hiện nay thực tế là từ đời Tổng thống tiền nhiệm.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney khẳng định Tổng thống Obama sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược giảm thâm hụt ngân sách rộng rãi và cân bằng./.

Việt Khoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục